Sau khi dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ trình Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng suất đầu tư được báo cáo quá cao và có thể giảm thêm.
Cụ thể, tổng 12 đoạn cao tốc Bắc – Nam trình Quốc hội dài 729 km, nghiên cứu tiền khả thi xác định tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân hơn 201 tỷ đồng/km (cả chi phí giải phóng mặt bằng).
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, khi so sánh với các tuyến cao tốc đã đưa vào sử dụng và đang làm với quy mô tương tự (trong đó có các đoạn cao tốc Bắc – Nam đang thi công), tổng mức đầu tư chỉ còn 130.604 tỷ đồng, tức suất đầu tư bình quân chỉ còn 179 tỷ đồng/km.
Lý giải về suất đầu tư báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, suất đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là bước nghiên cứu tiền khả thi (thiết kế sơ bộ), còn các dự án đã và đang làm được xác định ở bước nghiên cứu khả thi (thiết kế chi tiết).
Bộ GTVT cho rằng, tổng mức đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 mới là khái toán ở giai đoạn tiền khả thi và là mức tối đa, tổng mức đầu tư chính xác sẽ được xác định ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. |
Theo Luật Xây dựng, tổng mức đầu tư thiết kế sơ bộ được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án, có so sánh với các dự án tương tự đã thực hiện, mặt bằng giá tại thời điểm nghiên cứu. Do đó, 12 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 được xây dựng suất đầu tư trên cơ sở đã so sánh với các dự án đang xây dựng, mặt bằng giá thị trường hiện nay, đặc biệt là giá vật liệu xây dựng tăng.
Bộ GTVT dẫn các dự án cao tốc Bắc – Nam đang thi công, đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi có suất đầu tư bình quân 194 tỷ đồng/km, tại nghiên cứu khả thi suất đầu tư bình quân còn 190 tỷ đồng/km (giảm 4 tỷ đồng/km). Tương tự, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ nghiên cứu tiền khả thi có suất đầu tư bình quân 253 tỷ đồng/km, nghiên cứu khả thi giảm còn bình quân 210 tỷ đồng/km (giảm 43 tỷ đồng/km).
Ngoài ra, suất đầu tư từng đoạn dù thiết kế làn xe và tốc độ tương đồng, nhưng số lượng cầu và hầm khác nhau, độ phức tạp của từng công trình này khác nhau chi phí đầu tư cũng khác nhau.
Bộ GTVT cũng lập luận, theo quy định, tổng mức đầu tư giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi là cơ sở để ước tính chi phí và kế hoạch vốn, tổng mức đầu tư được phê duyệt trong nghiên cứu khả thi mới là cơ sở bố trí vốn.
“Do đó, việc so sánh tổng mức đầu tư giữa bước nghiên cứu tiền khả thi so với bước nghiên cứu khả thi chỉ mang tính chất tương đối. Sơ bộ tổng mức đầu tư ở bước nghiên cứu tiền khả thi mang tính đường bao để bảo đảm tổng mức đầu tư bước nghiên cứu khả thi không bị vượt, không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vì vậy, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Bắc – Nam được xác định đúng quy định, đáp ứng độ tin cậy trong bước nghiên cứu tiền khả thi”, ông Thể giải trình.
Ở các bước tiếp theo, khi dự án được thông qua, Bộ GTVT sẽ khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất, thủy văn, vật liệu, khối lượng công trình, chính sách liên quan… để xây dựng tổng mức đầu tư, bảo đảm chặt chẽ để làm cơ sở bố trí vốn đầu tư.
Về tiến độ, từ thực tế triển khai cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020, được phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 11/2017, phê duyệt báo cáo khả thi tháng 10/2018, và tới tháng 9/2019 mới khởi công gói thầu đầu tiên.
Do đó, Chính phủ dự kiến tiến độ triển khai 12 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 như sau: Giai đoạn 2021 – 2022 sẽ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư; giai đoạn 2022-2023 thực hiện thiết kế kỹ thuật, dự toán, giải phóng mặt bằng; khởi công từ năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
12 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang được Quốc hội xem xét cho chủ trương đầu tư công gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.