Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư.
Các đoạn cao tốc dự kiến thu phí gồm: TPHCM- Trung Lương, La Sơn - Túy Loan (Huế), Nội Bài - Nhật Tân (Hà Nội), và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công.
Bộ Tài chính lý giải, hiện Phí sử dụng đường bộ được thu trên đầu phương tiện ô tô, chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu tối thiểu bào trì đường bộ, mức thu rất thấp. Hàng năm, ngân sách Nhà nước phải bổ sung thêm từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng cho bảo trì đường bộ. Do đó, cần nghiên cứu để bổ sung nguồn thu đáp ưng nhu cầu bảo trì và phát triển đường cao tốc.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương nghiên cứu thu phí với đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, để thu hồi vốn đầu tư, trả nợ vay, chi bảo trì.
Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã kết luận giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đề xuất cơ chế thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư và đưa vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang xây dựng. Qua đó nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
“Bộ Tài chính đang nghiên cứu, phối hợp cùng Bộ GTVT để đề xuất cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ”, Bộ Tài chính cho biết.
Trước đó, trong báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính tính toán, có thể thu phí cao tốc đầu tư công từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe (mức phí cụ thể tính theo vốn đầu tư từng dự án và thời gian thu phí). Với 196km cao tốc đầu tư công đang khai thác, nếu thu phí với mức 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, hàng năm ngân sách có thêm khoảng 2.142 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đề xuất thu phí với cao tốc đầu tư công vấp phải một số lo ngại về tình trạng phí chống phí, khi ô tô đã phải trả Phí bảo trì đường bộ để chi cho bảo trì tất cả các tuyến đường đầu tư công.