Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
TPO - Trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhân việc Bộ lần đầu tiên công khai "tuyển" ứng viên Thứ trưởng, bạn đọc Hoa Lư cho rằng, ứng viên nên được tranh luận thẳng thắn với Bộ trưởng để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho nền giáo dục nước nhà.

>> Công khai "tuyển" Thứ trưởng

Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ảnh 1
Thông báo được đăng công khai trên trang web của Bộ GD-ĐT

LTS : Sau khi Tiền phong đăng bài về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai trên website của mình thông báo giới thiệu ứng viên chức danh thứ trưởng Bộ GD&ĐT, một số bạn đọc đã phản hồi tích cực về sự kiện này, đồng thời bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở của mình về việc tìm lãnh đạo tài năng cho nền Giáo dục Việt Nam. Bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dưới đây là một trong số đó.

Kính gửi Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Trước hết, tôi xin cảm ơn Ngài đã công bố việc tuyển chọn chức danh Thứ trưởng. Đây là một tín hiệu vui cho những ai có tài năng và thực sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Tôi tin vào hiệu ứng xã hội rất tốt đẹp. Thông tin minh bạch về tuyển chọn đã mở ra khả năng tham gia của nhiều người và Ngài sẽ chọn được người mà cả nước mong muốn.

Tôi đang nghĩ nếu tôi có thể ứng cử thì phải là người như thế nào đây?

Chắc hẳn, những người định xin vào công việc trọng trách này sẽ phải trải qua một cuộc sát hạch rất chặt chẽ về chuyên môn, trình độ quản lý và tầm nhìn vĩ mô về giáo dục của đất nước.

Ngoài ra, vì đã đưa lên công luận nên người được chọn phải vượt qua được sự chấm điểm ngặt nghèo của hàng chục triệu người về đạo đức và phẩm chất tốt mà người công bộc vì dân phải mang theo cùng sứ mệnh. Lãnh đạo ngành giáo dục không thể có tỳ vết.

Như nhiều trí thức khác, từ trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi mong muốn được góp sức mình trong ngành giáo dục với mục tiêu cao cả “trồng người”. Tôi biết một số đồng nghiệp có bằng Tiến sỹ với trình độ và hiểu biết về giáo dục tại Việt Nam khá sâu sắc cộng với một số năm công tác trong môi trường quốc tế. Biết đâu một người trong số họ có thể may mắn được đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng như Ngài đã yêu cầu.

Đã lên đến cấp Thứ trưởng hay Bộ trưởng thì chúng ta cần tầm nhìn của vị đó về ngành, không phải là 5 năm, 10 năm mà phải là tầm nhìn cho 100 năm sau hay xa hơn nữa. Một vài thế kỷ nữa, con cháu chúng ta sẽ là người như thế nào trong thế giới toàn cầu hoá này hoàn toàn do Ngài Bộ trưởng và ông Thứ trưởng mới đưa ra quyết sách hôm nay.

Định hướng của ngành giáo dục chính là định hướng cho tương lai của cả một dân tộc. Giáo dục con người không thể có chuyện sai đâu sửa đấy. Thiết kế sai một con đường hay ngôi nhà, người ta có thể phá bỏ, miễn là có tiền.

Nhưng một con người được đào tạo sai lầm sẽ không có cách nào “đập đi xây lại” dù có tiền tỷ đô la. Ai cũng hiểu rõ hiệu ứng domino trong giáo dục con người như thế nào. Sứ mạng của giáo dục là chuẩn bị cho tương lai đất nước chứ không phải để thế hệ tương lai phải sửa sai con người.

Đã có rất nhiều ý kiến kể cả những bài báo đăng công khai của những giáo sư và nhân sỹ nổi tiếng góp ý cho ngành giáo dục viết trong những năm gần đây. Những khái niệm về “cải cách”, “cách mạng” hay “triết lý” giáo dục là kho báu cho những ai định đảm đương chức vụ Thứ trưởng sắp tới.

Thêm vào đó, nếu họ có những chính kiến riêng, được đơm hoa kết trái qua những học hỏi, va chạm trong thực tế Việt Nam và môi trường quốc tế thì tôi tin họ sẽ đảm đương chức vụ quan trọng mà đất nước giao phó.

Tương lai nền giáo dục nước nhà sẽ được thụ hưởng tốt đẹp nếu ứng viên được bàn luận một cách dân chủ về cái được và cái mất của cuộc cách mạng, cải cách hay đổi mới trong giáo dục, phương cách nào tốt hơn cho hoàn cảnh Việt Nam.

Tôi đoán, những ứng viên sẽ vô cùng hân hạnh nếu được tranh luận với Ngài một cách thẳng thắn về những điều tốt đẹp và cả những bất cập giáo dục hiện nay. Thông qua đó, có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho nền giáo dục nước nhà.

Thưa Ngài Bộ trưởng,

Có hai yêu cầu về ứng viên mà tôi muốn góp ý chân thành vì tôi đang ao ước giá như mình có thể…

Tôi tưởng tượng mình là ứng viên đang 55 tuổi, đúng vào giới hạn cuối về tuổi tác mà chức danh Thứ trưởng yêu cầu. Thời gian Bộ GD&ĐT xét duyệt xong thì tôi đã quá hạn tuổi, nên hy vọng mong manh. Vì thế, tôi tha thiết mong Ngài tạo ra nền giáo dục, giúp cho thế hệ tương lai được tự tin từ khi còn trẻ, dám ứng cử vào những trọng trách của đất nước khi mà họ còn đủ sức khoẻ, có năng lực và tâm huyết.

Thêm những lãnh đạo trẻ sẽ thêm nguồn sinh khí đầy nhiệt huyết cho đất nước. Đừng để như tôi, bốn năm mươi tuổi, định xin vào chức vụ nào cũng bị chê quá non nớt, khi mình đủ năng lực lại bị chê già.

Về yêu cầu lý luận chính trị cao cấp cũng rất hợp lý về đường lối Đảng lãnh đạo hiện nay. Điều đó đòi hỏi người ta phải biết định hướng đi về đâu ngay từ lúc còn rất trẻ. Cháu tôi đi học lớp 2 ở bên Mỹ đã được ra bài luận “Nếu em là Tổng thống”.

Nhưng ở nước ta, nhiều người lại chưa có tầm nhìn xa khi họ còn trẻ và vì thế sẽ ít cơ hội tham gia vào quản lý đất nước ở tầm vĩ mô dù sau này trưởng thành họ rất giỏi. Nhưng tôi tin, thế hệ tương lai do Ngài dẫn dắt sẽ có nhiều cơ hội hơn vì được đào tạo tầm nhìn tốt hơn, phục vụ đất nước một cách hữu hiệu hơn.

Viết tới đây, tôi nhớ đã thầm rơi nước mắt khi nghe Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Di chúc ấy đã đi được quãng đường dài 40 năm. Chúng ta đã thực hiện được khá nhiều điều tốt đẹp dù đôi lúc không khỏi ngỡ ngàng vì những nhầm lẫn không mong muốn trong giáo dục.

Tuy nhiên, còn 60 năm nữa để tạo ra nền giáo dục và con người có lợi ích thật sự như Bác Hồ từng mong muốn. Tôi hy vọng nền giáo dục nước nhà sẽ đưa sự nghiệp vì con người lên một tầm cao mới trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế.

Cầu chúc cho Ngài chọn được vị Thứ trưởng mới có tầm nhìn thế kỷ để góp phần vào sự nghiệp trồng người thành công rực rỡ hơn như Di huấn của Bác Hồ.

Xin cảm ơn Ngài đã chú ý lắng nghe.

Hoa Lư
Từ Washington DC., Mỹ
Email:luckgiang@gmail.com

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lựcẢnh: PV
Học sinh bối rối chọn ngành nghề
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.