Đắc Lắc:

Thú chơi mới của các 'đại gia' dẫn đến phá rừng tận gốc

Thú chơi mới của các 'đại gia' dẫn đến phá rừng tận gốc
Đắc Lắc đang nổi lên phong trào chơi cây cảnh cổ thụ và cây lộc bình làm bằng gỗ. Đây là kiểu chơi mới của các “đại gia” dẫn đến phá rừng tận gốc, góp phần làm cho tài nguyên rừng vốn đã suy giảm nay càng suy giảm nghiêm trọng hơn.

Đắc Lắc hiện có hàng chục cơ sở kinh doanh cây cảnh cổ thụ nằm trên địa bàn các huyện Cư Kuin, Lắc, Buôn Đôn, TP Buôn Ma Thuột. Nhiều cơ sở kinh doanh cây cảnh này còn tận dụng vỉa hè, hàng rào, dọc các đường quốc lộ, tỉnh lộ nhằm vừa thuận tiện quản bá, giới thiệu sản phẩm, vừa bớt được diện tích trong vườn nhà.

Tại cơ sở kinh doanh cây cảnh Quốc Anh, xã Hoà Khánh, cơ sở kinh doanh cây cảnh đường Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột trong vườn để “bạt ngàn” cây cảnh cổ thụ, với đường kính cây có nhiều cấp cỡ khác nhau từ 45 cm đến 1 mét trở lên , gồm nhiều chủng loại từ cây bồ đề đến sung, si, đa, lộc vừng...

Giá cả cũng tuỳ theo từng chủng loại, lớn, nhỏ, thế cây, bộ rễ...giá từ 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng một cây.

Có “cầu” ắt có “cung” nên đã hình thành các đội quân chuyên săn lùng cây cảnh cổ thụ, họ ồ ạt len lỏi vào tận rừng sâu, trên núi cao hay ven sông, ven suối...lùng sục, đào bới không thương tiếc những cánh rừng để lấy bằng được các loại cây cảnh cổ thụ được chọn.

Có nơi, đội quân này còn thuê các loại máy ủi, máy đào, ròng rọc...bứng cả gốc lẫn rể về đáp ứng nhu cầu cho các “thượng đế” làm cho các cây con, cây chưa thành thục sống liền kề bị chết sạch.

Không chỉ có các “đại gia” ham chơi cây cảnh cổ thụ mà ngay một số cơ quan, đơn vị cũng “học đòi” theo cách phá rừng kiểu mới này. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Ma Đ'Rắc, Huyện uỷ đã giao chỉ tiêu cho các đầu ngành trên địa bàn phải tìm bằng được cây cổ thụ về trồng trong hoa viên của huyện.

Và thế là, đội quân săn cây cổ thụ được dịp công khai vào rừng tàn phá (phá rừng công khai), chọn những cây có thế, dáng, bộ rễ đẹp đào bới, khuân về trồng ở hoa viên.

Không chỉ chơi cây cảnh cổ thụ, hiện nay, các “đại gia” ở tỉnh Đắc Lắc còn thích chơi lộc bình tiện bằng các loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, hương, cà te, thường thường bậc trung thì có loại gỗ chiêu liêu.

Mỗi một cặp lộc bình với loại gỗ chiu liêu có đường kính 45 cm, chiều cao từ 1,1 mét đến 1,3 mét đã đánh bóng có giá từ 9 triệu đồng trở lên, còn các loại gỗ quý hiếm khác một cặp lộc bình cũng có giá từ 15 triệu đồng trở lên.

Theo các “đại gia” chơi cây càng to, lộc bình càng lớn càng chứng tỏ người chơi càng “sành điệu”(!). Hiện nay, các loại lộc bình này được bày bán công khai ở các cơ sở kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ hay các cơ sở buôn bán bàn ghế trên địa bàn tỉnh.

Các ngành chức năng ở tỉnh Đắc Lắc cần có biện pháp ngăn chặn tận gốc tình trạng khai thác, vận chuyển , buôn bán các loại cây cổ thụ , lộc bình (thực chất là gỗ tròn) không rõ nguồn gốc này nhằm góp phần giữ bình yên, màu xanh cho rừng.

Theo Quang Huy
TTXVN

MỚI - NÓNG
Vì sao chưa áp Tết đã hết vé tàu?
Vì sao chưa áp Tết đã hết vé tàu?
TPO - Mặc dù chưa áp Tết nhưng nhiều chuyến tàu đi các ngày từ 22/1 (23 tháng Chạp) đến 26/1/2025 (27 tháng Chạp) đã hết vé chiều từ Nam ra Bắc, giá vé tàu năm nay cũng tăng cao so với năm ngoái do có sự thay đổi khác biệt về ghế ngồi.