Thông tin tiếp vụ 'lãnh đạo xã xây nhà trên đất công'

Những ki - ốt đã “biến” thành nhà tầng tại xã Phú Minh. Ảnh: K.N
Những ki - ốt đã “biến” thành nhà tầng tại xã Phú Minh. Ảnh: K.N
TP - Sai phạm trong việc xây nhà trên đất công tại xã Phú Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) đã rõ ràng nhưng việc xử lý lại chưa thể dứt.

Tiền Phong ngày 10/7/2015 đăng bài “Lãnh đạo xã xây nhà trên đất công”, phản ánh việc một số hộ dân xã Phú Minh sau khi trúng thầu thuê đất, thuê ki-ốt đã chiếm đất công để xây nhà riêng. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng của UBND xã Phú Minh cũng nằm trong số hộ vi phạm khi xây nhà trên đất thuê ki-ốt.

Sau khi báo đăng, ngày 26/8/2015, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành văn bản (số 224) đề cập việc xử lý các trường hợp sai phạm trên tại xã Phú Minh. Theo đó, UBND xã Phú Minh đã tiến hành hủy 7 hợp đồng do Hợp tác xã Nông nghiệp Phù Xá Đoài (xã Phú Minh) ký giao thầu đất trái thẩm quyền để đến nay đã có 3 hộ xây dựng trái phép trên đất công. Hiện 3 hộ dân là các ông Phù Văn Định, Lê Thanh Phúc và bà Nguyễn Thị Hồi đã bị Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn phối hợp với UBND xã Phú Minh lập biên bản vi phạm và yêu cầu tự phá dỡ công trình.

Đối với 6 hộ thuê ki-ốt rồi chiếm để xây nhà (có 4 nhà kiên cố từ 2-4 tầng, 2 nhà xây 1 tầng và 1 tum), việc xử lý lại có xu hướng... thận trọng. Văn bản 224 trích dẫn Báo cáo (số 92, ngày 31/7/2015) của Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn đề cập rằng, 6 ngôi nhà xây dựng trên đất thuê ki-ốt có vị trí phù hợp với quy hoạch, các hộ dân đã ở ổn định từ năm 2001 đến nay nên đề nghị UBND huyện xem xét làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng cho các hộ dân này. Bên cạnh đó, văn bản 224 cũng dẫn Báo cáo (số 68, ngày 30/7/2015) của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sóc Sơn nhận định rằng, các trường hợp trên không thuộc diện được xem xét công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại điều 22, 23 Nghị định 43/CP (ngày 15/5/2014) và điều 48 Quyết định 24 (ngày 26/6/2014) của UBND thành phố Hà Nội. Hơn nữa, nếu xử lý theo hướng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thì căn cứ khoản 5, điều 68 Nghị định 43/CP quỹ đất đấu giá phải được giải phóng mặt bằng (quỹ đất sạch), nghĩa là 6 công trình trên vẫn phải được đập bỏ trước khi đấu giá.

Xét hai quan điểm trên, có thể thấy Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sóc Sơn đã căn cứ theo các văn bản quy định về đất đai một cách rõ ràng, và công trình đã vi phạm cần phải dỡ bỏ. Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn lại chưa quyết định, mà yêu cầu các cấp có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến các sở, ngành của thành phố Hà Nội để tham mưu cho UBND huyện biện pháp xử lý đối với 6 công trình trên.

Khi việc xử lý 6 trường hợp xây nhà trên đất thuê ki-ốt chưa được giải quyết dứt điểm, thì bà Nguyễn Thị Tuệ, người đã phanh phui sự việc trên lại bị các hộ vi phạm đe dọa, xúc phạm. Bà Tuệ kiến nghị sự việc đến UBND xã Phú Minh. Trong tháng 5 và tháng 8/2015, UBND xã Phú Minh đã hai lần tổ chức hội nghị hòa giải nhằm đảm bảo trật tự an ninh tại địa phương nhưng các hộ vi phạm đã không có mặt khiến việc hòa giải bất thành.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.