Thông tin mới nhất về đề xuất thành lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan đến quy định thành lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết đang chờ ý kiến chính thức của Chính phủ về việc này. Trong khi đó, quan điểm của Ủy ban Pháp luật là không quy định nội dung này trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi.

Chiều 27/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã cho ý kiến thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề thanh tra chuyên ngành - thanh tra di sản văn hóa, tại dự thảo mới nhất đã có sự chỉnh sửa.

Thông tin mới nhất về đề xuất thành lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng.

Cụ thể, dự thảo quy định: Cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan tham mưu, giúp quản lý Nhà nước về di sản văn hóa ở Trung ương, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra. Dự thảo đề xuất Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Thẩm tra sơ bộ về nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho hay, Thường trực Ủy ban đang chờ ý kiến chính thức của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có hay không quy định nội dung này trong luật.

Theo ông Lượng, ý kiến của Ủy ban Pháp luật là đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật.

Nói thêm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Luật Thanh tra có giao cho Chính phủ quy định chi tiết một số trường hợp đặc thù. Tuy nhiên, trong nghị định của Chính phủ về thanh tra hiện nay không quy định nội dung này.

Mặc dù vậy, Luật Thanh tra và nghị định của Chính phủ lại có điều khoản là có thể cho phép quy định ở luật chuyên ngành về thanh tra.

Thông tin mới nhất về đề xuất thành lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

“Chúng tôi có trao đổi với Ủy ban Pháp luật và đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật nói, để cho đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật thì ưu tiên điều chỉnh Luật Thanh tra", ông Vinh nói.

Hơn nữa, theo Ủy ban Pháp luật, thanh tra đặc thù thì không phải chỉ có cơ quan thanh tra mới làm nhiệm vụ thanh tra. "Trong một số trường hợp giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thực hiện việc thanh tra, nên vẫn thực hiện được”, ông Vinh cho hay.

Về phía ủy ban, ông Vinh cho biết đã đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức trong văn bản Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ. Quan điểm của Chính phủ là sẽ quy định ở luật này hay sửa nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra.

“Hiện nay chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức của Chính phủ”, ông Vinh nêu rõ.

Trước đó, nội dung này đã được đề cập tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 về dự án luật này.

Để đảm bảo thống nhất với Luật Thanh tra, cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo luật, hay quy định tại nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

MỚI - NÓNG
Vùng Cảnh sát biển 4 và Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia trao đổi về đường dây nóng
Vùng Cảnh sát biển 4 và Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia trao đổi về đường dây nóng
TPO - Chiều 27/9, tại Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và đoàn công tác Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia có cuộc tọa đàm, trao đổi về kết quả thực hiện Cơ chế liên lạc đường dây nóng đã được ký kết giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Ủy ban quốc gia An ninh, hàng hải Campuchia trong thời gian qua.