Chia sẻ tại buổi gặp gỡ các giáo viên toàn ngành, sáng nay (15/8), nói về phương án dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết chủ trương sẽ thay đổi nội dung câu hỏi, nội dung thi phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Phương án thi hướng đến sự phù hợp với lứa học sinh chưa trải nghiệm toàn bộ chương trình Giáo dục phổ thông mới, mà chỉ bắt đầu ở bậc THPT.
“Cuộc thi tốt nghiệp THPT 2025 cơ bản có điều chỉnh nội dung câu hỏi để phù hợp với chương trình 2018. Nhưng đây là lứa không được trải nghiệm đầy đủ chương trình giáo dục 2018 nên việc có phương án thi phù hợp với chương trình 2025 có cái mới thì phải điều chỉnh sao cho phù hợp”- Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 vào quý IV năm nay.
“Cần thực hiện tốt chương trình Giáo dục phổ thông 2018”
Nhưng trong cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định chương trình GDPT 2018 là một nhân tố mới rất quan trọng, đây là cơ hội lớn. "Chúng ta cần thực hiện thật tốt chương trình GDPT 2018", Bộ trường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chúng ta cần coi đây là cơ hội và cố gắng thực hiện thật tốt đối với chương trình GDPT 2018. Đây là phương thức để chúng ta đổi mới toàn diện, thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất.
Những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới. Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên chúng ta cần là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. Ai cũng có thể làm được, vấn đề có dám làm hay không.
“Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới”- bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo chúng ta từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, chúng ta cần thay đổi từng môn học, vị trí từng môn học. Thay đổi lớn của Chương trình GDPT 2018 nếu muốn đạt được chiều sâu, thực chất thì phải thay đổi từng thành tố, từng môn học, chúng ta cần thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào.
Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.
Để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến; trong đó có hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới …
Các ý kiến nêu trên cùng thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Tại sự kiện, Bộ trưởng trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề được nhà giáo và dư luận quan tâm như: Vấn đề tiền lương, chế độ phụ cấp của giáo viên, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học….