Thoát bẫy thú hoang

Thoát bẫy thú hoang
TP - Như một thông điệp tích cực hiếm hoi gửi đến hội nghị quốc tế quy mô lớn về buôn bán trái phép thú hoang dự kiến diễn ra ở Hà Nội ngày 17/11, lần đầu tiên nước ta tổ chức tiêu hủy hơn hai tấn ngà voi và trên 70 ký sừng tê giác cùng các bộ phận đắt giá khác của các loài hoang dã.

Cuộc tiêu hủy khối tài sản lớn và quả thực là quý hiếm diễn ra trước sự chứng kiến của quan khách trong và ngoài nước với sự hiện diện của 150 cảnh sát vũ trang. Từng có người tiếc hùi hụi, nói thành tiếng, giá mà cấu được một vài mẩu. Từng có đề nghị tiêu hủy ở Hoàng Thành Thăng Long hoặc một vị trí trang trọng tương đương nào đó. Vậy mà cuối cùng chúng lại được đem ra Nam Sơn, bãi rác lớn nhất của Hà Nội, để thực thi hôm 12/11.

Cuộc này chúng ta chịu sức ép ghê gớm chứ tận sâu tâm khảm hẳn chưa muốn thế. Một thông tư cấp bộ (Số 90/2008/TT-BNN) ban hành vào một ngày toàn số đẹp như giới chơi số, 28/8/2008, hướng dẫn cách xử lý tang vật hoàn toàn khác. Chẳng hạn có thể trả lại chúng cho nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất theo quy định của CITES (Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài Động vật Thực vật Hoang dã Nguy cấp); có thể “chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản”; hoặc thậm chí “chuyển giao cho cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc”. Tiêu hủy chỉ đặt ra “trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên”.

Vậy mà đùng một cái, chúng ta thực hiện một cuộc tử tế nhằm đúng Tuần lễ Thế giới Tử tế. Sau khi kiểm tra kỹ về AND rồi tính đến từng lạng (2.183 kg ngà voi, 70,4 kg sừng tê giác), tất thảy được nghiền nhỏ. Rồi đốt trong lò để cháy hết thành tro. Rồi chôn lấp toàn bộ trước sự chứng kiến của đông đảo công chúng.

Trước khi diễn ra hành động lịch sử với sự hỗ trợ tài chính của quốc tế, ngày 13/5/2015, một đoàn liên ngành Việt Nam được mời đến chứng kiến cảnh tiêu hủy một lượng ngà voi lớn hơn nhiều tại một nước châu Phi là Kenya. Trong bối cảnh bị thế giới chỉ đích danh là một trong hai nước có nạn buôn bán và tiêu thụ thú hoang bất hợp pháp lớn nhất, việc lần đầu tiên chúng ta lọt vào danh sách hơn 10 nước tiêu hủy tang vật thú hoang quý hiếm trong đó có trên 40 tấn ngà voi là thắng lợi ngoại giao không nhỏ.

Đương nhiên đấy mới là bước đầu. Chỉ riêng vụ ở Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, từ 11-25/8/2015, cơ quan chức năng bắt gần 8 tấn ngà voi, sừng tê giác, và vảy tê tê nhập từ Mozambique và Nigieria. Nghĩa là số ta vừa tiêu hủy chưa phải là tất cả. Đấy là chưa kể một tổ chức có tên Wildlife Justice Commission (tạm dịch Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã) cho biết sẽ công bố tại Hà Lan hôm nay, 15/11 theo giờ Hà Nội, về cuộc điều tra kéo dài một năm của họ về một đường dây mua bán thú hoang ở ngoại thành Hà Nội được cho là trị giá 53 triệu USD.

Thế mới biết, để thoát hẳn cái bẫy thú hoang mà không ít trong chúng ta mắc phải trong tâm trí và khó dứt vì chưa muốn dứt, để tỏ ra là tử tế thực sự trước mắt bạn bè quốc tế đang gây sức ép tứ bề, còn cần không ít cam kết và hành động chính trị mạnh mẽ hơn nữa.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.