Tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và 70 kg sừng tê giác

TPO - Chiều 12/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành tiến hành tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi, hơn 70 kg sừng tê giác, là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật tại khu liên hiệp xử lý rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức tiêu hủy các mẫu vật động vật hoang dã phi pháp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Hội đồng tiêu hủy quốc gia tiến hành tiêu hủy trên 2 tấn ngà voi, trên 70kg sừng tê giác và một số mẫu vật xương gấu, xương hổ bằng phương pháp nghiền và đốt hoàn toàn.

Hội đồng tiêu hủy chỉ đạo việc tiến hành lấy mẫu giám định ADN ngà voi, sừng tê giác theo quy định của CITES trước sự chứng kiến của đại diện các cơ quan nhà nước, các đại sứ quán tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế và các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác, xương hổ, xương gấu thể hiện thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trong chống tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã và không cho phép tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp.

Tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và 70 kg sừng tê giác ảnh 1

Hơn 2 tấn ngà voi, trên 70 kg sừng tê giác cùng một số bộ xương hổ, gấu và sư tử đã được Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan chuyển từ kho lưu trữ tại Hải Phòng về Hà Nội để tiêu hủy sáng 12/11.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, kể từ khi gia nhập Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế thực thi có trách nhiệm Công ước này.

Những năm gần đây, ngoài việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trong quản lý buôn bán động vật hoang dã, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện, điều tra và bắt giữ hàng chục tấn ngà voi, hàng trăm kg sừng tê giác và nhiều mẫu vật khác như xương hổ, vảy tê tê, rùa nước ngọt…

Những nỗ lực của Việt Nam trong công tác đấu tranh chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và được cộng đồng thế giới đánh giá cao, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác là biện pháp xử lý cuối cùng về mẫu vật các loài hoang dã bị buôn bán trái pháp luật thể hiện quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã khác, đồng thời là thông điệp trong chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức công chúng không tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc phi pháp”- ông Tuấn nói.

Theo ông John E. Scanlon, Tổng thư ký Công ước quốc tế về Buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cho biết: Sự kiện trên nay góp phần tăng cường nhận thức cho cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế về những tác động tiêu cực từ nạn buôn bán trái pháp luật ngà voi và sừng tê giác gây ra, đồng thời thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam nói riêng, cam kết của cộng đồng quốc tế nói chung trong việc chấm dứt vấn nạn này.

“Cộng đồng toàn cầu hoan nghênh các quyết định cứng rắn tại Hội nghị CITES COP17. Và đây chính là thời điểm để chúng ta hành động, triển khai thực hiện các quyết định đó”-ông John E. Scanlon nói.

Việc Việt Nam tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác trước thềm Hội nghị Hà Nội về Chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã hoang dã diễn ra vào ngày 17/11/2016.  Hội nghị thể hiện quyết tâm chính trị của nước chủ nhà trong thực hiện có trách nhiệm cao các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

MỚI - NÓNG