Thoả thuận bán tên lửa Brahmos cho Philippines đưa Ấn Độ dấn sâu hơn vào Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc Ấn Độ bán cho Philippines các tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos đánh dấu một bước chuyển chiến lược, đưa Ấn Độ tham gia sâu hơn vào các tranh chấp ở Biển Đông và giúp Manila sở hữu hệ thống tên lửa hành trình tầm cỡ đầu tiên.
Thoả thuận bán tên lửa Brahmos cho Philippines đưa Ấn Độ dấn sâu hơn vào Biển Đông ảnh 1

Tên lửa Brahmos của Ấn Độ. (Ảnh: FB)

Đáng chú ý là khi cả hai nước đều có tranh chấp chủ quyền kéo dài với Trung Quốc, các tên lửa Brahmos sẽ được đưa lên khu vực biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc trên dãy Himalaya và xuống Biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng tên lửa Brahmos sẽ khó có thể thay đổi đáng kể cân bằng sức mạnh quân sự trên Biển Đông, vì Trung Quốc đã đưa hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại ra các cấu trúc và khu vực ven Biển Đông trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên Asia Times, nhà nghiên cứu Philippines Richard Heydarian cho rằng thoả thuận trị giá 375 triệu USD có thể chỉ là hành động mở đầu để Ấn Độ trở thành một nhà cung cấp vũ khí lớn và một đối tác chiến lược của các quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh một số nước trong khu vực đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Thoả thuận tên lửa Brahmos cũng có thể trở thành bàn đạp cho những nỗ lực phối hợp cao hơn nữa của "Bộ tứ", gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc, nhằm nâng cao năng lực răn đe cho các cường quốc nhỏ hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Dù có tổ hợp công nghiệp – quốc phòng tương đối lớn, Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu nhiều vũ khí của nước khác, trong khi các cường quốc châu Á như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang mở rộng xuất khẩu vũ khí nhanh chóng.

Điều này phản ánh một phần sự thận trọng chiến lược của Ấn Độ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hành động quyết liệt hơn, với mục tiêu đưa doanh thu thường niên từ xuất khẩu vũ khí lên 5 tỷ USD vào năm 2025.

Trong năm tài khoá 2020-2021, xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ đạt 1,13 tỷ USD, cho thấy tham vọng ngày càng lớn của cường quốc châu Á này nhằm trở thành một nước lớn trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu.

Brahmos, sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ với Nga, là một trong những vũ khí tiên tiến nhất của Ấn Độ. Với tầm xa 290km và tốc độ Mach 3, Brahmos đã nâng cao đáng kể năng lực của hệ thống tên lửa Ấn Độ từ khi bắt đầu được biên chế vào năm 2005.

Tên lửa này có thể trang bị cho tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, giúp người mua có nhiều lựa chọn sử dụng.

Có nhiều hoài nghi rằng liệu Philippines mua hệ thống tên lửa có thể thay đổi đáng kể cân bằng sức mạnh quân sự trên bộ và trên biển. Ông Heydarian cho rằng ý nghĩa thực sự của thoả thuận mua tên lửa là hàm ý chiến lược rộng hơn.

Mở ra những cơ hội khác

Hãng Brahmos Aerospace đã phát triển phiên bản nâng cấp trên bộ của hệ thống tên lửa với tầm xa 500km. Nhờ trung tâm sản xuất tên lửa Brahmos rộng 200 mẫu dự kiến hoàn thành vào năm 2025, Ấn Độ sẽ có thể sản xuất hàng loạt các phiên bản tên lửa tiên tiến trong tương lai gần.

Ấn Độ đang hợp tác với Nga để sản xuất Brahmos-II, phiên bản siêu thanh với tốc độ Mach 5 và có thể đi xa tới 1.100km. Là một khách hàng quan trọng, Philippines có thể sẽ mua phiên bản thế hệ tiếp theo của công nghệ tên lửa Ấn Độ.

Thoả thuận Brahmos đánh dấu lần đầu tiên Philippines ký một hợp đồng vũ khí lớn với quốc gia không thuộc NATO, dù Philippines vẫn dựa vào vũ khí Mỹ trong thế kỷ qua.

Vì thế, thoả thuận Brahmos có thể trở thành bàn đạp để đa dạng hoá hơn nữa nguồn mua vũ khí của Philippines. Sự đa dạng hoá đó có thể bao gồm cả Nga, một nhà cung cấp vũ khí hiện đại và giá cả phải chăng cho khu vực.

Ấn Độ cũng có thể trở thành một nhà cung cấp các loại vũ khí hiện đại và giá cả phải chăng cho các nước khác ở Đông Nam Á.

Trong khi đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp vũ khí, Ấn Độ có thể đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực của "Bộ tứ" để giúp các nước nhỏ hơn liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, ông Heydarian nhận định.

Theo AT
MỚI - NÓNG