Thờ ơ bảo hiểm cháy nổ

Chợ Dân Sinh có 6.500 sạp, nhưng các sạp đều bịt kín bằng cửa tôn
Chợ Dân Sinh có 6.500 sạp, nhưng các sạp đều bịt kín bằng cửa tôn
TP - Bất chấp các vụ cháy nổ liên tục xảy ra, người dân, đặc biệt là tiểu thương ở các chợ, vẫn thờ ơ với việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

> Tổng kiểm tra an toàn cháy nổ trên toàn quốc

Sau vụ cháy chợ ở Quảng Ngãi với tổn thất lên tới hơn 200 tỷ đồng, các chợ ở TPHCM được đặt trong tình trạng báo động. Tuy nhiên, trong hơn 350 chợ và trung tâm thương mại ở TPHCM, chỉ có một lượng nhỏ tiểu thương mua bảo hiểm phòng bà hỏa ghé thăm.

Ông Trần Văn An, quản lý ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), cho biết, công tác phòng cháy chữa cháy, được kiểm tra nghiêm ngặt nhưng thực tế trong cùng một lồng chợ, có tiểu thương mua bảo hiểm cháy nổ, có người không.

Theo Ban quản lý chợ Bà Chiểu, nơi đây có 1.500 quầy sạp, bình quân mỗi quầy sạp chỉ rộng khoảng 1,5 m2. Tại khu chợ này, các sạp nằm san sát, choán hết lối đi. Chợ Tân Bình (quận Tân Bình) có hơn 2.825 quầy sạp, chợ Dân Sinh (ở quận 1) có 6.500 quầy sạp cũng chen chúc nhau.

Trong khi tại các chợ, lối thoát hiểm vừa thiếu lại vừa bị che chắn hoặc bị tận dụng vào việc buôn bán. Ở các chợ, tiểu thương thường dùng loại cửa tôn cuốn che kín toàn bộ quầy sạp khi nghỉ buôn bán. Vì vậy, một khi xảy ra cháy bên trong, rất khó cho Ban quản lý cũng như bảo vệ chợ kịp thời phát hiện.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Nghị định 130/2006 của Chính phủ quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân… sở hữu cơ sở, tài sản dễ có nguy cơ gây cháy nổ, nơi tập trung đông người thuộc diện bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ, nhưng cả nước chỉ có hơn 5% doanh nghiệp, cơ sở mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Trong khi đó, số vụ cháy nổ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ… vẫn liên tục xảy ra.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Bảo hiểm AAA, cho biết, đối với các chợ có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, công ty vẫn triển khai bảo hiểm cháy, nổ cho nhà lồng chợ và tất cả tiểu thương trong chợ.

“Việc làm này được Ban Quản lý các chợ đồng thuận nhưng việc thuyết phục tất cả tiểu thương trong chợ đều phải mua bảo hiểm lại khó khăn, do họ chưa ý thức được tầm quan trọng về quyền lợi bảo hiểm khi có sự cố xảy ra”, bà Liên nói.

Ông Nguyễn Hoài Ân, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ở Bình Dương, cho rằng, biểu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hiện vẫn còn cao hơn rất nhiều so với bảo hiểm cháy nổ tự nguyện nên doanh nghiệp thờ ơ.

Lệ phí của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được tính dựa trên Thông tư 220/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, phí bảo hiểm = Tỷ lệ phí x Số tiền bảo hiểm (giá trị tài sản được bảo hiểm) + 10% thuế GTGT.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG