Thổ Nhĩ Kỳ tấn công IS: Một mũi tên nhằm hai mục tiêu

Vụ đánh bom khủng bố ở Suruc, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 20/7 được cho là ngòi nổ cho các chiến dịch quân sự của Ankara chống IS và PKK hiện nay.
Vụ đánh bom khủng bố ở Suruc, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 20/7 được cho là ngòi nổ cho các chiến dịch quân sự của Ankara chống IS và PKK hiện nay.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ mở cuộc tấn công trên quy mô lớn vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và lực lượng Kurdistan của đảng PKK ở Iraq, đang khiến mọi con mắt nghi ngờ đổ dồn về Ankara. Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ sau một thời gian dài bị chỉ trích vì thái độ mập mờ đối với IS, giờ bỗng thay đổi chiến thuật?

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi luật chơi?

Từ ngày 24/7, lấy cớ vụ đánh bom tự sát đẫm máu ở Suruc làm 32 người chết do một chiến binh được IS huấn luyện thực hiện, Ankara đã quyết định mở các cuộc không kích vào các vị trí của quân IS và cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình để tấn công IS. Nhưng cùng lúc, Ankara cũng mở chiến dịch tấn công mạnh vào lực lượng người Kurdistan của đảng PKK tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ở miền Bắc Iraq.

Hành động này được thực hiện sau khi PKK giết các sĩ quan cảnh sát của chính phủ ngay sau vụ đánh bom Suruc nhằm trả thù cho cái mà họ coi là sự hợp tác với IS.

Một ngày sau chiến dịch mở màn, Ankara đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ phía Washington. Đặc sứ của Tổng thống Barack Obama về vấn đề chống IS, Brett MacGurk, lên án các vụ tấn công khủng bố của lực lượng PKK và tuyên bố nước Mỹ tôn trọng quyền tự vệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Washington sẽ hợp tác với Ankara trong cuộc chiến chống lại PKK cũng như chống lại IS.

Tiếp ngay sau đó, ngày 26/7, Cố vấn an ninh thứ hai của Tổng thống Barack Obama, Ben Rhodes, hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch oanh kích nhắm vào IS đang hoành hành tại Syria. Đồng thời ông tuyên bố phe ly khai PKK tại Iraq là một “tổ chức khủng bố” và coi việc tổ chức này trong tầm ngắm của Ankara là chính đáng.

PKK nằm trong danh sách đen của Mỹ nhưng Washington vẫn duy trì quan hệ tốt với lực lượng Kurdistan trong khu vực miền Bắc Iraq. Lực lượng đó cũng đang phải đương đầu với IS.

Những phát biểu của Mỹ lập tức tạo thêm đà để chính quyền Ankara gia tăng các chiến dịch quân sự đã được khởi động từ mấy ngày qua. Đêm 26-7, lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lực lượng dân quân Kurdistan YPG ở thành phố Kobani ở Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một thông cáo sáng 27/7, lực lượng YPG tố cáo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào vị trí của họ thay vì nhắm vào phiến quân IS. YPG đồng thời kêu gọi Ankara chấm dứt “gây hấn”. Đêm trước, chiến đấu cơ F-16 của Ankara đã luân phiên oanh kích các hậu cứ của lực lượng PKK ở vùng Kurdistan tại Iraq trong suốt 4 tiếng đồng hồ, có lẽ gây thiệt hại nhân mạng ở thường dân nhiều hơn là chiến binh Kurdistan.

Cũng như các lần trước, các vụ oanh kích cũng nhắm vào một vài vị trí của lực lượng IS ở Syria, gần chốt biên giới Djarablous do IS kiểm soát.

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là đạn pháo bắn đi từ xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ lại rót vào các đơn vị của người Kurdistan ở Kobani, khiến ban chỉ huy lực lượng Kurdistan ở Syria YPG phải lên tiếng yêu cầu Ankara tôn trọng tính chính đáng quốc tế, nếu không họ sẽ bắn trả. Đạn pháo Thổ Nhĩ Kỳ đã làm 4 chiến binh YPG và nhiều dân thường bị thương.

Dường như là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào một đơn vị của lực lượng Quân đội Syria Tự do chiến đấu bên cạnh lực lượng YPG từ năm ngoái. Vấn đề là việc can thiệp vào vùng này của lực lượng Kurdistan không khác gì mở thêm một mặt trận thứ 3, rất nguy hiểm đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Đây không phải là những vụ tấn công nhất thời, mà là một tiến trình dài hơi”. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoghu đã nhấn mạnh như trên khi nói về chiến dịch quân sự mà Ankara đang tiến hành. Ông giải thích là Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc chiến toàn diện chống những kẻ mang mầm khủng bố. Có điều ông hầu như chỉ gợi lên khía cạnh Kurdistan trong chiến dịch quân sự hiện nay, và đã tỏ ra hài lòng khi cho là “Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ sức mạnh và đã làm đảo lộn thế cân bằng khu vực”. Ông Davutoglu còn hứa là “sẽ sớm không còn bóng dáng IS ở dọc biên giới”.

Không chỉ nhắm vào người Kurdistan tại Iraq hay Syria, Ankara cũng tăng cường bố ráp người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong mấy ngày qua, đã có hơn 850 người trong cộng đồng người Kurdistan bị bắt với lý do là có liên quan đến khủng bố. Các vụ bắt bớ đã làm dấy lên một làn sóng tức giận, nhất là ở Istanbul, dẫn đến bạo động và xung đột với cảnh sát. Một nhân viên cảnh sát đã bị sát hại hôm 27/7 ở Istanbul.

Giới quan sát nhận thấy, những vụ tấn công dồn dập của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ chỉ trở nên mạnh hơn sau khi Ankara đã đạt được thỏa thuận với Mỹ. Ngày 23/7, truyền thông Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ loan tin Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý cho chiến đấu cơ của Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ để phát động những cuộc tấn công nhắm vào IS bên trong Syria, dù Washington từ chối công khai nêu chi tiết về sự hợp tác mới giữa hai nước.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công IS: Một mũi tên nhằm hai mục tiêu ảnh 1

Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik để oanh kích lực lượng IS.

Những bản tin, đăng trên nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ và The Wall Street Journal và The New York Times của Mỹ, cho biết thỏa thuận đã được hoàn tất trong một cuộc điện đàm hôm 22/7 giữa ông Erdogan và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest khi đó cho biết, ông không thể trả lời trực tiếp câu hỏi về căn cứ Incirlik vì "những mối lo ngại an ninh liên quan đến hoạt động", nhưng nói rằng ông Obama và ông Erdogan đã "thảo luận những nỗ lực tăng cường hợp tác để ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài (đổ về IS) và giữ an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria".

Quân đội Mỹ từ lâu đã hoạt động tại căn cứ Incirlik nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không cho Mỹ sử dụng nơi này để mở những cuộc tấn công nhắm vào IS. Căn cứ không quân này cách Raqqa, thành trì của IS ở Syria, khoảng 400 km và sẽ rút ngắn đáng kể quãng đường 1.900 km mà chiến đấu cơ của Mỹ phải vượt qua để thực hiện những phi vụ ném bom từ Iraq vào Syria.

Báo Hurriyet cho biết, thỏa thuận chung về việc sử dụng căn cứ Incirlik cho những cuộc tấn công mới đã đạt được vào đầu tháng 7. Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện hàng nghìn vụ ném bom nhắm vào những vị trí IS ở Syria và Iraq và nói rằng họ đã có một số thành công trong việc ngăn chặn đà tiến của lực lượng này. Nhưng IS vẫn kiểm soát những khu vực rộng lớn ở miền Bắc, miền Tây Iraq, và ở miền Tây Syria cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ không xa.

Kết thúc trò chơi hai mặt?

Hứng chịu vụ tấn công khủng bố tại Suruc làm 32 người chết, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải bước ra khỏi “trò chơi 2 mặt”- tức câu giờ với cả phe liên quân cũng như IS mà từ lâu Thủ tướng Erdogan không muốn gọi là “khủng bố”. 3 máy bay F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh kích 3 sở chỉ huy và 1 điểm tập trung của IS trong lãnh thổ Syria. Các mục tiêu này nằm quanh làng Havar đối mặt với tỉnh Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bị phương Tây cáo buộc là nhắm mắt làm ngơ trước làn sóng tân binh thánh chiến châu Âu vượt biên giới một cách dễ dàng, dường như giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi sách lược. Theo tờ Hurriyet, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang nghĩ đến việc triển khai các khinh khí cầu phía trên 900km đường biên giới, cộng thêm là một bức tường để ngăn chặn phong trào thánh chiến. Đây cũng là một sự thay đổi chiến lược, vì trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ hành động nào tại biên giới.

“Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy ít bị đe dọa bởi các nhóm thánh chiến hơn là sự trỗi dậy của một lực lượng người Kurd tự trị tại Syria, có khả năng kết hợp với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq để thành lập một Kurdistan lớn mạnh” - nhà nghiên cứu Jana Jabbour giải thích trên tờ Huffington Post.

Giờ đây nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp mạnh vào khu vực biên giới, tức có thể đánh vào điểm yếu của IS: nguồn tài chính. Vàng đen do IS cướp được từ các nhà máy lọc dầu được tuồn qua những mạng lưới buôn lậu bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Một lượng lớn dầu hỏa được bán tại Thổ Nhĩ Kỳ do giá đắt và sự lỏng lẻo tại biên giới với Syria.

“Một khối lượng lớn dầu hỏa ra khỏi Syria và được tuồn sang Thổ Nhĩ Kỳ” - chuyên gia Pierre Terzian cho biết. Nếu kiểm soát chặt chẽ biên giới và chặn đứng được nạn buôn lậu, Thủ tướng Erdogan có thể chặt đứt “mạch máu” chiến tranh của IS. Nếu thực sự quyết tâm theo đuổi chiến lược này, Thổ Nhĩ Kỹ có thể bóp nghẹt  IS về mặt địa dư và kinh tế (với sự trợ giúp của các vệ tinh tình báo phương Tây).

Canh bạc đầy rủi ro

Giải thích về sự thay đổi thái độ bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà phân tích chỉ ra hai nguyên nhân. Thứ nhất về đối nội. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6 vừa qua, đảng AKP cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đánh mất đa số và giờ đang phải đàm phán với các đối tác để thành lập chính phủ. Nếu không thành công, một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức và Tổng thống Erdogan hy vọng AKP có thể giành lại được các cử tri dân tộc chủ nghĩa mà mới đây đã "quay lưng". Bằng cách tấn công PKK, ông Erdogan có thể đạt được mục đích và giành lại được đa số mong muốn.

Thứ hai, từ đầu, Ankara đã từ chối tham gia chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu, cho rằng làm như vậy cũng sẽ nhắm vào quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Nhưng nay Mỹ nói là, mối quan ngại về IS và "vấn đề Assad" cần được gác qua một bên.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu bị cáo buộc "nhắm mắt làm ngơ" trước sự trỗi dậy của IS, thậm chí còn bị quy kết ủng hộ lực lượng này chống lại chế độ Assad. Ankara luôn phủ nhận. Nhưng những vụ tấn công liên tiếp của “yếu tố” IS tuần trước được xem như là "giọt nước làm tràn ly" khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể kiềm chế thêm nữa.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công IS: Một mũi tên nhằm hai mục tiêu ảnh 2

Biểu tình biến thành bạo động tại Istanbul ngày 27/7 sau các vụ bắt bớ nhiều người bị tình nghi ủng hộ IS cũng như PKK.

Tiếp đến, điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ về việc lập một vùng cấm bay dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria được Mỹ chấp thuận. Và điều kiện này dường như đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy Ankara hành động.

Tuy nhiên, những tính toán của  Ankara cũng có cái giá phải trả. Các cuộc tấn công cả IS ở Syria lẫn PKK ở Iraq sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ phải hứng chịu thêm các cuộc tấn công nữa của IS và khuấy động thêm bạo lực giữa người Kurdistan thiểu số có cảm tình với PKK.

Những thay đổi bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến NATO phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 28/7. Phát biểu trước hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: “Các nước đồng minh trong khối luôn theo dõi sát sao tình hình và ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ”.

Báo chí Pháp ra ngày 27/7 đặc biệt bình luận về “động cơ ngầm” của Chính quyền Ankara. Tờ L’Humanité nhận định, như vậy là "Tổng thống Erdogan hy vọng bắn một mũi tên trúng hai đích trong đó chủ yếu làm suy yếu đảng PKK, ngăn chặn người Kurdistan ở Syria mở rộng vùng lãnh thổ họ kiểm soát ở Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ". Tờ báo phân tích, chiến dịch quân sự như vậy chỉ làm cho các lực lượng thánh chiến hồi sức lại trong lúc đang bị người Kurdistan đẩy lùi trên chiến trường.

Báo Libération nhận định: “Ngày càng cho thấy rõ ràng là Chính quyền Ankara tiếp tục coi đảng PKK cũng nguy hiểm như IS, thậm chí là còn hơn”. Theo tờ báo, việc “làm dấy lên trở lại cuộc xung đột với người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây hậu quả mất ổn định trên toàn vùng vốn dĩ đang ở trong hỗn loạn”.

Le Figaro cũng cùng nhận định qua hàng tít: “Sau IS, Thổ Nhĩ Kỳ tập trung hỏa lực nhằm vào PKK”. Theo tờ báo, mục tiêu chính của các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ là “PKK hơn là IS”. Trong khi đó, nhật báo La Croix nhận thấy chiến dịch quân sự mới của Ankara bắt đầu từ một tuần nay là một “canh bạc rủi ro”. Theo tờ báo, song song với các cuộc không kích vào các vị trí của IS cũng như của người Kurdistan, chính quyền Ankara đã mở một chiến dịch “chống khủng bố” trên quy mô rộng lớn ở trong nước, bắt giữ nhiều người bị tình nghi ủng hộ IS cũng như PKK, những nhà hoạt động cánh tả hay đối lập. Thế nhưng, trong số người bị bắt chỉ có một thiểu số rất nhỏ có dính líu đến IS.

Cuộc “chiến tranh kép” này của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bị tố cáo là lợi dụng tình hình phục vụ ý đồ chính trị nội bộ sau khi đảng của ông vừa bị thất bại nặng nề trong bầu cử hồi tháng trước. Mở mặt trận chống thánh chiến để lấy cớ tấn công vào người Kurdistan chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị trong nước và Tổng thống Erdogan thì bị tố cáo là đang đẩy đất nước vào vòng khói lửa chết chóc chỉ để nhằm giành giật quyền lực.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG