Tuy nhiên, Thủ tướng Davutoglu khẳng định, các cuộc không kích vào các mục tiêu của IS tại khu vực này và của đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Iraq có thể “thay đổi cuộc chơi”.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm rằng, nước này và Mỹ đã thỏa thuận sơ bộ về kế hoạch thiết lập “an toàn khu” tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc không kích chống lại IS tại miền bắc Syria. Thỏa thuận này bao gồm kế hoạch đẩy IS ra khỏi khu vực kéo dài khoảng 110km phía Tây sông Euphrates đến tỉnh Aleppo.
Những điều khoản đầu tiên của thỏa thuận đã có hiệu lực vào tuần trước, khi Thổ Nhĩ Kỳ cho phép chiến đấu cơ Mỹ sử dụng căn cứ Incirlik. Các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu không kích miền Bắc Syria từ đó.
Bên cạnh đó, theo ông Davutoglu, giữa Ankara với Washington là nhằm cung cấp sự yểm trợ từ trên không cho những lực lượng mà họ coi là phiến quân “ôn hòa” Syria, như Quân đội Tự do Syria (FSA) và các lực lượng khác – những tổ chức có chung mục tiêu là đánh đuổi IS ra khỏi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này.
Thủ tướng Davutoglu nhấn mạnh, nếu Ankara không triển khai lực lượng bộ binh đến Syria thì khi đó các tay súng nổi dậy ôn hòa tại nước này ít nhất vẫn được bảo vệ từ trên không. Nói là làm, vào khoảng 20h30 ngày 26/7 (giờ địa phương - 1h30 ngày 27/7 giờ Việt Nam), Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch không kích mới nhằm vào các mục tiêu của PKK ở miền Bắc Iraq. Các máy bay chiến đấu F-16 đã cất cánh từ căn cứ ở tỉnh Diyarbakir, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm thẳng tới các cứ điểm của PKK ở khu vực núi Kandil. Người phát ngôn của PKK ở Iraq xác nhận, khoảng 21h (giờ địa phương), các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu oanh kích một số vị trí của lực lượng này tại 2 khu vực.
Trước đó, tối 26/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm thảo luận về tình hình Trung Đông, đặc biệt là tại Syria và Iraq, cũng như cách thức tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống IS.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, tất cả các nước quan tâm tới vấn đề này nên tăng cường nỗ lực nhằm đối phó hiệu quả với sự lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp với các đại sứ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để thảo luận về các hoạt động quân sự chống IS và PKK.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, theo yêu cầu của Ankara và dựa trên khoản 4 của Hiệp ước Washington, NATO sẽ triệu tập cuộc họp khẩn, dự kiến diễn ra vào ngày 28/7 tại Brussels, Bỉ. Theo ông Stoltenberg, yêu cầu này của Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn chính đáng và kịp thời, vì trong tình trạng hỗn loạn và bất ổn như tại Syria và Iraq, một cuộc họp để giải quyết những vấn đề này là rất cần thiết.
Có ý kiến cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang chơi một “ván cờ nguy hiểm”. Chỉ trong vòng một tuần, Ankara đã chuyển mình từ một “nhà quan sát” bất đắc dĩ, né tránh hành động quân sự chống IS, sang chủ động tấn công quân sự toàn diện vào tổ chức khủng bố này, mở cửa các căn cứ cho liên quân tấn công.
Theo nhận định của các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoác lên mình vỏ bọc “tấn công IS” theo đuổi ý đồ truy sát PKK. Trong nhiều tháng trước đó, nước này luôn đứng ngoài chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu, thực chất đây là động thái né tránh giúp người Kurd chống lại IS. Giờ cả hai đều bị oanh kích và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia.
Có thể, việc bị cáo buộc là “nhắm mắt làm ngơ” trước sự trỗi dậy của IS hoặc thậm chí còn bị quy kết ủng hộ lực lượng này chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã khiến Ankara cảm thấy “mệt mỏi” và thay đổi. Tuy nhiên, cũng có thể đang có một toan tính chính trị ở trong nước.
Với chiến thắng không trọn vẹn trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đã mất đa số ghế tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và hiện đang phải đàm phán với các đối tác để thành lập chính phủ. Nếu không thành công, một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hy vọng AKP có thể giành lại được các cử tri dân tộc chủ nghĩa mà mới đây đã “quay lưng”. Theo đó, nhiều khả năng ông Erdogan tin rằng, việc tấn công PKK sẽ giúp ông đạt được mục đích của mình.
Tuy nhiên, “mũi tên trúng hai đích” của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy nước này vào nguy cơ phải hứng chịu thêm các cuộc tấn công nữa của IS và khuấy động thêm bạo lực giữa người Kurd thiểu số có cảm tình với PKK. Cuộc xung đột vũ trang giữa PKK và nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài trong 30 năm qua đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40.000 người, và nhiều khả năng, việc Ankara đang làm sẽ “tạo điều kiện” cho “bóng ma quá khứ” tái xuất hiện.