Cuối tuần qua, cộng đồng mạng đã chia sẻ câu chuyện về một thiếu nữ Hà Nội đột ngột ra đi. Theo chia sẻ, nguyên nhân được cho là do sau khi đi tắm tối, cô ra ngoài ngồi bán hàng và bị trúng gió.
Mệt quá, cô lên phòng nghỉ nhưng khi mọi người lên gọi xuống ăn cơm thì cô gái đã tím tái. Và dù đã nỗ lực gọi cấp cứu nhưng cô gái đã không qua khỏi.
Sự ra đi quá bất ngờ của cô gái 18 tuổi xinh xắn này đã khiến bạn bè, người thân và nhiều cư dân mạng bàng hoàng, thương xót. Không những thế, từ câu chuyện đau lòng này, các bạn trẻ đã giật mình nghĩ lại về việc coi thường sức khỏe bản thân trong điều kiện thời tiết buốt giá tại Hà Nội những ngày gần đây.
Đồng thời không ít bài học về việc làm thế nào để vừa tắm rửa sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh mà không làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhất là khi một số bạn có thói quen tắm muộn.
Theo đó, tắm vào lúc khuya thì nhiệt độ thấp hơn bình thường, dễ làm bạn bị nhiễm lạnh. Vừa tắm xong mà đi ngủ ngay thì có thể sẽ không ngủ ngay được vì tắm xong sẽ làm bạn cảm thấy tỉnh táo.
Giấc ngủ thường đến khi nhiệt độ cơ thể xuống thấp hơn bình thường một chút. Việc tắm nước nóng làm tăng nhiệt độ cơ thể, trì hoãn não tiết ra hormone gây buồn ngủ. Do đó, bạn nên tắm bằng nước ấm trước khi đi ngủ ít nhất hai giờ để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Nếu không thể tắm bằng nước ấm cách hai giờ trước khi đi ngủ, bạn có thể dùng khăn lạnh chườm đầu khoảng năm phút để hạ nhiệt độ cơ thể xuống mức bình thường. Như vậy, bạn sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Thời điểm tắm thích hợp nhất là buổi sáng, sau khi tập thể dục và chỉ tắm khi đã ráo mồ hôi (sau ít nhất một giờ). Mùa hè, bạn cũng chỉ nên tắm tối đa 2 lần/ngày, 15-20 phút/ lần.
Nếu phải ra đường khi trời rét đậm, bạn trẻ nên mặc ấm, kín gió. Chẳng may, có triệu chứng trúng gió như bất ngờ cảm thấy chóng mặt, lạnh toát, mệt mỏi thì cần được cấp cứu ngay.
Người bị trúng gió nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như méo miệng, liệt bán thân, tay chân vĩnh viễn, mất khả năng ngôn ngữ, cảm xúc và hơn 35% trường hợp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ được sơ cứu mà không điều trị triệt để, hậu quả là để lại di chứng tiềm tàng cho phong thấp, tê thấp, giảm hoặc mất khả năng đề kháng, rất dễ bị trúng gió tái phát.
Trúng gió nhẹ chỉ cần cạo gió, đánh gió bằng dầu nóng, rượu ngâm gừng, sau đó cho người bệnh uống nước đường gừng nóng, sữa, nước cam, ủ ấm, ăn cháo hành, tía tô nóng… là dần hồi phục.
Theo Tây y, có thể cho người bệnh uống thuốc trị cảm, vitamin C để tăng sức đề kháng, đồng thời làm nóng vùng nhiễm lạnh và làm giãn tĩnh mạch. Khi các triệu chứng của trúng gió giảm, đặt bệnh nhân nằm đầu thấp hơn chân (để tăng lượng máu nuôi dưỡng não), nghiêng đầu sang một bên (để tránh tụt lưỡi hoặc hít phải chất nôn vào phổi), đắp chăn ấm, tránh gió lùa. Đồng thời cho ngửi tinh dầu, xoa dầu nhân trung và bàn tay, bàn chân.
Trong trường hợp nguy cấp hoặc bị nặng, sau khi sơ cứu, cần đưa nạn nhân đi cấp cứu.