Thiếu gì nơi để trái tim vàng nương náu!

Thiếu gì nơi để trái tim vàng nương náu!
“Ngôi nhà hạnh phúc” đâu nhất thiết cứ phải tọa lạc ngay giữa nơi phồn hoa đô thị? Trên thế gian này, thiếu gì nơi cho 2 trái tim vàng nương náu.

Thật buồn và tiếc cho một số cô gái học vấn cao mà lại có tiêu chí cứng nhắc đặt ra cho “một nửa” của mình là: Phải có nhà! (mà lại là nhà riêng ở Thủ đô Hà Nội!).

Tôi nghĩ đó chỉ là số ít, nếu không thì phần lớn cánh đàn ông con trai chúng tôi sẽ “ế vợ” suốt đời. Đọc bài “Trái tim vàng nương náu nơi nao?” của Minh Hòa trên diễn đàn “Yêu thời @” – báo Tiền Phong số 116, tôi thấy tâm trạng mình vừa buồn lại vừa vui thay cho anh bạn người yêu cũ của cô gái trong bài viết đó.

Buồn vì tình cảm chân thành của anh bạn ấy không được cô bạn gái đón nhận. Vui vì chàng trai đã nhận ra một sự thật, cho dù sự thật có phũ phàng, đó là “phải có nhà” mới có tình yêu của cô gái ấy.

Không biết chừng, khi có “nhà Hà Nội” rồi, cô ta sẽ lại đòi hỏi ở “chàng trai xấu số” nào đó phải có thêm những điều kiện khác nữa như địa vị, chức tước cao, thu nhập lương bổng nhiều, xe hơi “xịn”, nhà mới  v.v…

Vẫn biết rằng cái quan điểm “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” không còn hoàn toàn chính xác, nhưng không phải là đã hoàn toàn sai. Giữa cuộc sống bao bộn bề bon chen này, chúng ta vẫn thấy những gia đình hạnh phúc ấm êm, mặc dù kinh tế thu nhập của cả 2 vợ chồng chỉ tạm đủ chi dùng.

Đó là bởi họ biết “thuận vợ thuận chồng”, biết cùng nhau “chung lưng đấu cật” để “cải tạo” cuộc sống sinh hoạt gia đình, biết cảm thông và chia sẻ về công việc và nghề nghiệp của nhau.

Họ là ai vậy? Tôi có thể dẫn chứng ra đây rất nhiều cặp vợ chồng trẻ như thế ngay tại đơn vị tôi đang công tác. Và, cũng xin được  nói ngay rằng, chúng tôi – những người lính trẻ, đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà phải xa gia đình, người thân gần 2 ngàn cây số và làm gì có nhà riêng (nói chi đến nhà ở Hà Nội!) nhưng những người vợ trẻ vẫn luôn chung thủy nết na, chăm lo cuộc sống gia đình, vẫn có nhiều bạn gái tin tưởng trao tình yêu cho những chàng trai trẻ trong quân ngũ.

Những người vợ trẻ ấy, những người bạn gái ấy họ cũng đang làm việc công tác trong nhiều lĩnh vực của xã hội, nhiều người trong số họ cũng đã từng trải qua những tháng năm sống trong ký túc xá, trong các nhà trọ sinh viên chịu đựng gian khổ thiếu điện, thiếu nước, thiếu tiền sinh hoạt, để có được các tấm bằng cử nhân, bác sĩ, kỹ sư…

Thế nhưng tại sao họ lại không ích kỷ hẹp hòi đến mức phải đưa vấn đề “nhà cửa” thành một tiêu chí hàng đầu cho tình yêu? Bởi vì họ không “cố đấm ăn xôi” ở thành phố, họ biết mang “chất xám” về quê để lập nghiệp, họ biết vận dụng những kiến thức đã được học trên giảng đường để làm kinh tế cho gia đình và cống hiến cho xã hội.

Những người lính chúng tôi thật khâm phục và biết ơn những người vợ trẻ, những bạn gái như thế đã giúp chúng tôi yên tâm công tác xa nhà và vững chắc tay súng nơi biên cương hải đảo.

Trở lại bài viết của tác giả Minh Hòa, tôi liên tưởng ngay tới cô gái cứ “kén cá chọn canh” mãi và cuối cùng thì làm “bà cô” già khó tính trong câu ca dao: “Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”.

Và, không khéo đến một lúc nào đó “Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng”, mà chắc chắn không một anh chàng nào đã có “nhà cửa đàng hoàng” mà lại phải chịu cảnh đến tận lúc là “ông lão” mới lấy vợ.

Xin được gửi lời khuyên chân thành đến bạn gái nào còn đang quan trọng hóa về nghề nghiệp và phức tạp hóa “nơi nương náu” cho trái tim hãy tỉnh táo hơn khi chưa quá muộn, để lựa chọn cho mình một tình yêu chân thành từ những chàng trai tuy chưa có nhà riêng nhưng họ sẽ mua được nhà bằng sức lao động của họ cộng với sự nỗ lực của chính bản thân các bạn gái.

Tôi thiết nghĩ “ngôi nhà hạnh phúc” ấy đâu nhất thiết cứ phải tọa lạc ngay giữa nơi phồn hoa đô thị?

MỚI - NÓNG