Đỏ mắt tìm hàng Việt
Các tuyến đường ở khu vực chợ Bình Tây (Q.6), Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), đường 3/2 (Q.10), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh), Võ Thị Sáu (Q. 3)... lúc này rực rỡ sắc vàng, đỏ của các sản phẩm trang trí nhà ngày tết. Số lượng mặt hàng tại đây có tới vài trăm mẫu, trong đó có các loại dây treo lớn nhỏ, các miếng tranh dán chữ hoặc hình ảnh, khánh, bao lì xì, linh vật may mắn, hoa mai, đào giả… Theo đó, giá cả cũng đa dạng không kém, như miếng tranh dán hình em bé, thần tài, bông hoa, chiếc quạt có giá từ 10.000 đồng – 100.000 đồng/tờ; các dây trang trí cũng nhiều giá trong đó sản phẩm đắt nhất là 300.000 đồng/chiếc (cao 2m), bao lì xì 50.000 đồng – 150.000 đồng/bịch tùy số lượng, dây treo đồng tiền vàng từ 5.000 đồng/chiếc. Hỏi nguồn gốc, ông Hà (chủ sạp Vương Hà trên đường Hải Thượng Lãn Ông) cho biết: “Đa số là hàng Trung Quốc, trong nước ít sản xuất mặt hàng này”.
Vào các nhà sách lớn như Fahasa, Nguyễn Văn Cừ, Phương Nam… đến khu vực bày bán bao lì xì, thiệp chúc tết, mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới tìm được vài sản phẩm được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, mẫu mã các loại không có nhiều lựa chọn. Như bao lì xì vẫn quẩn quanh với các hình dân gian như hứng dừa, múa lân; thiệp handmade có đính hoa khô … và giá thành lại cao hơn “hàng ngoại” từ 10 – 15%. Bà Nguyên (chủ nhà sách tư nhân ở Q.1) cho hay: “Nhiều mặt hàng tuy sản xuất trong nước nhưng nguyên liệu lại là của Trung Quốc. Hiện, hàng trang trí tết chỉ chiếm khoảng 10% tại đây. Chúng tôi cũng cố gắng đẩy mạnh hàng Việt nhưng tâm lý của khách là đồ trang trí chỉ dùng một lần rồi bỏ nên họ chọn sản phẩm giá rẻ, hình thức đẹp, mà hàng Việt Nam thì chưa đáp ứng được điều này”.
Sợ mua nhầm trái cây Trung Quốc, nhiều bà nội trợ chọn siêu thị để “gửi” sức khỏe. Thế nhưng, các hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, Big C, Satra, Lotte Mart… trái cây ngoại nhập chiếm đa số. Từ nho, táo Mỹ, kiwi New Zealand, đào Hàn Quốc… được bày trong những tủ mát sang trọng, ở vị trí dễ nhìn nhất. Còn trái cây Việt thì nằm chung với rau củ, nhiều loại để lâu ngày dẫn đến hư, khô cũng không có người thay mới. Vào quầy hàng lạnh, khách cũng phân vân vì thịt bò, gà Mỹ có giá rẻ chỉ bằng một nửa thịt bò, gà Việt Nam.
Lạc quan trong lo lắng
Để hàng Việt lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, thời gian qua, các sở ban ngành tại TPHCM đã tổ chức hàng trăm chương trình kết nối cung cầu để giới thiệu về các mặt hàng nông – lâm – ngư - thủy sản, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng; cùng với đó là thông tin về ứng dụng khoa học công nghệ mới trên sản phẩm của nông dân, doanh nghiệp có chất lượng cao, giảm giá thành. Các nhà vườn còn tự mình thành lập, tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, đăng ký sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, Iso… Rồi những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cũng được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Dẫu được tổ chức hoành tráng và có đầu tư, nhưng con số thực tế về lượng khách tham gia các chương trình này lại không lớn, sức mua không cao. Trong khi, với chương trình hội chợ hàng Thái được tổ chức vài ba lần/năm tại Trung tâm triễn lãm Tân Bình (Q. Tân Bình) thì trong suốt những ngày hội chợ diễn ra bãi giữ xe không còn một chỗ trống. Ai cũng tay xách nách mang, nhiều quầy hàng phải đóng cửa sớm vì… hết hàng. Mặc dù, giá cả nhiều loại hàng hóa ở đây không hề rẻ.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tại TPHCM thừa nhận, thực tế thời gian gần đây hàng hóa ngoại thâm nhập vào tại thị trường bán lẻ quá nhanh. Bên cạnh hàng ngoại giá rẻ thì phân khúc hàng cao cấp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... đặc biệt là hàng do người Thái sản xuất đang từng bước chiếm lĩnh các quầy kệ trong các siêu thị, chợ lớn nhỏ.
“Cánh cửa thị trường cộng đồng kinh tế ASEAN đã mở; nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang dần có hiệu lực, hầu hết hàng hóa có thuế suất về 0%, thực tế này buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt. Cụ thể, mới đầu của hội nhập mà hàng hóa của các nước khối Asean đã tăng nhanh chóng và có mặt rất nhiều ở thị trường nội địa, đẩy sức ép cạnh tranh, thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước” - Ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, hàng sản xuất trong nước, đặc biệt là về thủy sản chiếm tỷ lệ lớn hơn hàng ngoại nhập. Còn bánh kẹo thì đã có bánh kẹo của Kinh Đô, ABC, Bibica... Những thương hiệu này đã được người tiêu dùng biết tới đủ khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong mùa tết này.