Thị trường ngoại tệ vẫn ứ đọng

Thị trường ngoại tệ vẫn ứ đọng
Mặc dù NHNN đã công bố việc mua trở lại USD từ trung tuần tháng 1, nhưng lượng cung ngoại tệ trên thị trường hiện vẫn trong tình trạng ứ đọng khiến nhiều NH phải đau đầu.
Thị trường ngoại tệ vẫn ứ đọng ảnh 1

Theo đánh giá của các NH, lượng ngoại tệ NHNN mua vào hiện nay không thấm vào đâu so với nguồn cung đang ngày một thêm dồi dào trên thị trường. Trong khi, nhu cầu về vốn tiền đồng lại tăng mạnh dịp cận tết. Chính điều này đã làm cho NH không thể thoát được cảnh thừa USD, thiếu tiền đồng.

Tỉ giá hối đoái liên tục sụt giảm sau khi NHNN mở cửa mua thêm ngoại tệ. Nhiều NH không muốn mua thêm USD nên đã hạn giá thu vào sát mức sàn, nhưng lượng ngoại tệ vẫn không ngừng chảy vào nhà băng.

Chẳng hạn như Eximbank, tỉ giá VND/USD được niêm yết hiện chỉ còn 15.980VND/USD (cả mua và bán). Thế nhưng, theo Eximbank trong những ngày cận Tết khi lượng kiều hối đã được đổ về VN và bắt đầu được người dân đem bán lấy tiền đồng chi tiêu dịp Tết thì ngoại tệ vẫn tiếp tục đổ vào NH.

Theo Uỷ ban về người VN ở nước ngoài, lượng kiều hối năm 2007 đạt mức 5,6 tỉ USD, tăng khoảng 1 tỉ USD so với năm 2006, đó là chưa tính lượng tiền chuyển về theo các kênh không chính thức.

Điều đáng chú ý là kiều hối luôn "chảy" mạnh về VN dịp cận Tết để làm quà tặng cho người thân chi tiêu. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi USD sang tiền đồng từ đó tăng lên.

Trong khi, theo một cán bộ cấp cao của Eximbank, lượng ngoại tệ NH đăng ký bán cho NHNN hàng ngày chỉ giải quyết được 10% trên tổng nhu cầu cần bán. Ví dụ: Mỗi ngày, Eximbank có nhu cầu bán khoảng 100.000USD thì NHNN chỉ mua được 1.000USD.

Không chỉ Eximbank mà hiện nhiều NH khác cũng đang rơi vào tình cảnh không thể cân đối được cung - cầu USD và VND để giải quyết bài toán vốn cho khách hàng dịp cuối năm.

Trước đây, khi thiếu tiền đồng, các NH có thể vay mượn qua thị trường liên NH với lãi suất mềm, nhưng hiện lãi suất qua đêm vẫn trên ngưỡng 8%/năm. Không còn cách nào khác, để có thêm nguồn cung về tiền đồng buộc phải nâng lãi suất lên mức trên 10%/năm, cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, dự trữ bắt buộc tiếp tục được NHNN điều chỉnh thêm 1% đối với các loại tiền gửi khiến chi phí đầu vào của NH liên tục bị đội lên. Dự trữ bắt buộc tăng cùng xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất huy động hút vốn đang làm nhiều nhà băng rơi vào tình cảnh khó khăn.

"Ngoại tệ mua vào không có đường giải ngân, nhưng từ chối mua USD của khách hàng là điều không thể đối với NH", TGĐ một NH than thở.

Bài toán khó

Tiền đồng khan hiếm, nền kinh tế chưa hấp thụ tốt dòng vốn gián tiếp đã và đang tác động tiêu cực đến TTCK, nhất là đối với cầu "ngoại".

Ông Huỳnh Anh Tuấn - TGĐ CTCK SJC cho biết, sở dĩ CK "đỏ" sàn trong những ngày qua là do dòng tiền vào thị trường đang dần bị hạn chế đủ đường.

Bên cạnh việc siết chặt tín dụng cho vay cầm cố CK, để kiềm chế lạm phát NHNN đang thực hiện biện pháp hạn chế dòng tiền trong lưu thông. Chính vì vậy, theo ông lượng ngoại tệ hút về của NHNN trong lúc này khó có thể giải quyết được cán cân cung - cầu của thị trường.

Trong khi đó, các đợt IPO thu hút vốn lớn tiếp tục diễn ra. Mặc dù tỉ lệ nộp tiền mua cổ phần của VCB rất cao, nhưng theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành CK thì với Sabeco khó lường được hậu quả.

So với VCB, IPO Sabeco cũng hút một lượng tiền mặt tương tự lên đến 9.000 tỉ đồng. Thị trường vốn dĩ đang cạn tiền đồng lại càng thiếu hụt hơn khi IPO Sabeco diễn ra. Tiền đồng khan hiếm gây bất lợi cho dòng vốn gián tiếp chảy vào TTCKVN, vì khó khăn trong việc chuyển đổi vốn từ USD sang VND.

Bên cạnh đó, nhiều NĐTNN hiện còn e ngại bán ngoại tệ để tiếp tục giải ngân vào CK, vì so với VND hiện USD đã mất giá hơn 300 VND/USD so với trước. Vẫn biết, hạn chế đưa tiền đồng vào lưu thông trong bối cảnh hiện nay là biện pháp duy nhất để NHNN thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành CK, nếu NHNN tiếp tục thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với giá CK.

Theo Vi Nguyễn
 Lao động

MỚI - NÓNG