Sách tranh khơi niềm hứng thú đọc sách
Sách tranh là hình thức nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh trên toàn thế giới có tuổi đời 130 năm. “Sách tranh tăng cường khả năng thẩm mỹ bằng kết nối hình ảnh, ngôn từ; đánh thức khả năng phát triển tư duy, khởi điểm hình thành thói quen đọc sách; hiện nay ở Việt Nam cha mẹ chưa đánh giá đúng sách tranh” - ông Trưởng Đại diện Trung tâm Văn hóa Pháp, mở đầu tọa đàm.
Ở Đức, theo bà Annette Kôhn, hình thành một loại sách chỉ toàn tranh, không hề có chữ. Tranh khổ to, thậm chí hai trang một tranh. Xem bức tranh lớn, trẻ con sẽ phát hiện nhiều chi tiết nhỏ giấu trong bức tranh. Chúng dành cả tiếng đồng hồ để xem tranh. Tranh kích thích sáng tạo.
Sách tranh gồm hai loại: Sách tranh thông tin dạy kĩ năng sống, cung cấp các thông tin khoa học, đời sống, xã hội, giới thiệu số đếm, màu sắc, bảng chữ cái…; và sách tranh có “câu chuyện”, có kịch bản, tuyến nhân vật, tình huống, thông điệp… Sách tranh ở Việt Nam hiện tại hướng tới trẻ lứa tuổi biết cảm nhận đồ vật. Tuy nhiên, xu hướng sách tranh mở rộng, tìm cách xóa nhòa định kiến về “độ tuổi” độc giả, chính nhờ sự giàu có đa dạng hình thức.
Không có sách xấu dành cho trẻ!
Neil Gaiman, sinh năm 1960, nhà văn Anh, trong một bài báo có viết: “Tôi không nghĩ có cái gì gọi là sách tồi cho trẻ. Đừng ngăn cản trẻ con đọc chỉ bởi bạn cảm thấy mấy thứ đó là sai lầm. Các tác phẩm hư cấu bạn không thích là con đường dẫn tới những cuốn sách khác mà bạn có thể thích hơn”.
“Chúng tôi không cố gò ép để đưa ra một thông điệp nào cả khi xuất bản một cuốn sách. Khi thẩm định một cách sách tranh hoặc sách thường nếu thấy thực sự có vấn đề không tốt về nội dung, chúng tôi sẽ cùng bàn với tác giả” - Annette Kôhn trả lời khi độc giả hỏi: Liệu ở Đức có định hướng sách tranh. Bà cũng bổ sung, hiểu tranh khó hơn hiểu chữ, “người lớn vẽ, còn trẻ con đọc mà. Vì thế chúng ta cần tìm ra chìa khóa, từ khiếu thẩm mĩ và cách tiếp cận”.
Họa sĩ trẻ Phạm Thu Thùy, sinh năm 1990, tác giả sách tranh đồng thời là họa sĩ minh họa, cho biết: “Sách cần gây được sự đồng cảm, thu hút được sự chú ý, sách tranh làm được điều đó. Với tôi, sách không thích đồng nghĩa không nhớ”.
Vẫn còn là một thị trường mở
Phạm Thu Thùy hoạt động trong lĩnh vực sách tranh được 2 năm nhận xét: “Hiện nay có rất ít sách tranh Việt, chủ yếu là sách tranh dịch từ nước ngoài. Vì lực lượng họa sĩ sách tranh còn ít, các tác giả Việt vẫn học hỏi là chủ yếu và cần có thời gian vun đắp”.
“Tôi thực sự thấy không vui khi các bạn Việt Nam chưa có một dòng sách tranh riêng của mình mà vẫn nhập là chủ yếu” - Annnette Kôhn tiếp lời.
Sách tranh mới xuất hiện ở Việt Nam 7-8 năm nay, thị trường còn rất mới. “Giá một cuốn sách tranh còn khá đắt so với mặt bằng sách chữ. Phụ huynh nghĩ tới kinh tế, còn e ngại khi chọn mua sách cho con” - Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thùy Trang - chủ một xưởng nghệ thuật dành cho trẻ em, nói.
Tọa đàm “Những nẻo đường sách tranh” gồm nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thùy Trang, họa sĩ Đức Annette Kôhn và họa sĩ Phạm Thu Thùy. Ngoài quan tâm tới sách tranh, khán giả còn quan tâm tới những chia sẻ lí thú, có ích việc chọn sách cho trẻ. Quỳnh Hương thường “để con gái đọc sách lúc bé cảm thấy dễ chịu nhất, ở một xó xỉnh nào cũng được! Nếu không sẽ triệt tiêu niềm yêu thích đọc sách của trẻ”.