Thị trường cầu thủ nội: Tài năng như sao buổi sớm

Thị trường cầu thủ nội: Tài năng như sao buổi sớm
TP - Thực tế cho thấy trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội hiện nay, cung không đủ đáp ứng cầu nhưng số lượng cầu thủ nội có chất lượng lại đang có chiều hướng giảm sút.

Theo lịch thi đấu được VFF công bố, đến đầu tháng 2/2007, V-League sẽ chính thức được khởi tranh. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ người ta đã cảm thấy sức nóng của thị trường cầu thủ nội khi mà các CLB chuyên nghiệp bắt tay ngay vào việc “chiêu binh mãi mã”, củng cố lực lượng để chuẩn bị cho mùa giải mới.

Không giống như những năm trước đây, sau khi kết thúc mùa giải, xu hướng chung của các CLB là đua nhau tổ chức các chuyến tập huấn nước ngoài vừa để luyện quân, vừa để tranh thủ cơ hội tìm kiếm các cầu thủ ngoại để bổ sung vào đội hình.

Thế nhưng ở mùa giải năm nay, chính những cầu thủ nội mới là đích ngắm của các CLB. 

“Miền đất hứa” đối với nhiều đội bóng như thường lệ vẫn là Sông Lam Nghệ An – nơi luôn sản sinh ra những cầu thủ có chất lượng tốt.

Ngoài Hải Nam, Ngọc Tú, Công Mạnh đã chắc chắn gia nhập Hoà Phát Hà Nội (với tổng số tiền ước tính gần một tỷ đồng), Thanh Thưởng, Hải  Nam đã  chắc chắn về Hà Nội.ACB, P.SLNA sắp tới còn có khả năng mất thêm một số cầu thủ chủ chốt của mình như: Văn Vinh, Huy Hoàng, Thanh Hải, Hồng Sơn, Minh Đức...

Không chỉ các cầu thủ ở “lò” SLNA đắt hàng mà cả một số cầu thủ nội khác cũng đã và đang tìm kiếm những “bến đỗ” mới cho bản thân mình. Lương Trung Tuấn đã về Bình Dương với hợp đồng hai năm.

Một số cầu thủ nội có chất lượng khác và đã không thành công ở mùa giải vừa qua cũng đang “đánh tiếng” để được ra đi như Đặng Văn Thành, Trung Kiên, Minh Đức, Mạnh Dũng, Bảo Khanh... và đều được các đại gia săn đón.

Sau khi đội nhà giành quyền thăng hạng V-League, một số cầu thủ xứ Thanh đang “bôn ba” ở khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ nguyện vọng muốn trở về để  được phục vụ quê hương như Hồng Minh, Như Thuần, Đình Quý...

Tất cả đã và đang tạo nên một thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội đầy sôi động, hấp dẫn và không kém phần quyết liệt.

Cung không đủ cầu

Kể từ khi thế hệ Vàng chính thức rút lui vào hậu trường, số lượng các tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam ngày càng trở nên thưa thớt như “sao buổi sớm”.

Lứa cầu thủ giành Huy chương Bạc SEA Games 22 trên sân nhà từng được kỳ vọng là thế hệ Vàng thứ hai giờ đây đang “tan đàn xẻ nghé” khi người thì bị chấn thương và buộc phải giã từ sự nghiệp cầu thủ (Đặng Thanh Phương), kẻ thì đang vướng vào vòng lao lí sau vụ bán độ tại SEA Games 23 (Văn Trương, Quốc Vượng, Văn Quyến).

Chính vì thế mà ở một vài mùa giải vừa qua, không ít CLB thiếu người đến mức phải “gặt lúa non” - đưa cả lứa U20 vào đá ở giải chuyên nghiệp.

Sự khan hiếm cầu thủ này mà trong những năm qua, đã không ít lần xuất hiện tình trạng ông bầu của đội bóng nọ “hét giá” đến hàng tỷ đồng khi 1 đội bóng khác đến đặt vấn đề chuyển nhượng một cầu thủ mà đội bóng đó đang quản lý.

Những vấn đề của thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội thực ra đã bắt đầu xuất hiện từ khá lâu, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu chính thức chuyển lên chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, có vẻ như VFF vẫn chưa thực sự quan tâm và tìm ra được những biện pháp cụ thể để khắc phục.

Một số đội bóng khác (như HP.HN, Hà Nội.ACB) đã từng phải tham dự V-League với phần đông lực lượng là các cầu thủ đi mượn hoặc nhặt nhạnh từ các đội bóng khác.

Thậm chí, có đội còn thiếu người đến mức phải “động viên” cả các lão tướng đã treo giày mấy năm quay trở lại sân cỏ để tiếp tục “cày ải” thêm 1-2 mùa bóng nữa.

MỚI - NÓNG