Thị trường bất động sản: Ai mới là người cần cứu?

Thị trường bất động sản: Ai mới là người cần cứu?
TP- Chưa bao giờ tiếng “kêu cứu” cho thị trường bất động sản (BĐS) nhiều và khẩn thiết như hiện nay. Thực sự  thị trường BĐS có đáng phải cứu bằng những hình thức đang được kiến nghị ?

Không chỉ đề nghị ngân hàng mở rộng cửa cho vay mà các DN, chủ đầu tư, hiệp hội ngành này còn đề nghị Nhà nước lập quỹ hỗ trợ, thậm chí tại một cuộc hội thảo, có ý kiến còn đề nghị dùng tiền nhàn rỗi của các quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... để “giải cứu” thị trường BĐS.

Thị trường ĐBS có thực sự “đóng băng”?

Theo NHNN Chi nhánh TPHCM thì dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản khoảng 61.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

Đến cuối tháng 10/2008, TPHCM còn 151 dự án bất động sản dở dang, ngân hàng cam kết cho vay 14.388 tỷ đồng và đã giải ngân 9.320 tỷ đồng, hiện còn 5.068 tỷ đồng chưa giải ngân.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay các dự án đầu tư bất động sản khả thi, có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn.

Như vậy dù không bằng năm 2007 nhưng vốn ngân hàng vẫn đổ vào BĐS và nếu những số liệu của NHNN là đúng thì việc các doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án BĐS cho rằng ngân hàng quay lưng với BĐS cần xem lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều dự án BĐS tại TPHCM vẫn triển khai bình thường, dù có thời gian lao đao vì vật liệu tăng nhưng các chủ đầu tư vẫn đảm bảo tiến độ như khu căn hộ V-Star, Phú Mỹ, Phú Mỹ Thuận, Sky Garden, The Vista, Sailling Tower…

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý  nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Thị trường chỉ xuống ở phân khúc nhà cao cấp, phân khúc nhà giá trung bình khoảng 10-15 triệu đồng/m² thì xuống không đáng kể”.

Ông Hà nói thêm, nguồn cung nhà giá bình dân, đáp ứng nhu cầu của đa số người dân vẫn còn ít và nếu các nhà đầu tư chuyển từ phân khúc cao cấp sang đầu tư cho các phân khúc nhà bình dân, giá nhà hợp lý thì giao dịch sẽ sôi động hơn. 

Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS TPHCM Đỗ Thị Loan nhận định: “Thị trường BĐS không hề đóng băng. Có chăng là số lượng giao dịch trên thị trường ít hơn quý 4 năm 2007”. Với tình hình trên thì những kêu cứu cho thị trường BĐS có vẻ như quá bi quan và có phần nghiêng về quyền lợi của doanh nghiệp, chủ đầu tư và một bộ phận nhà đầu cơ BĐS hơn là lợi ích chung của xã hội.

Dầu cù là chữa bệnh nan y?

TS Trần Du Lịch đặt vấn đề, lẽ ra những người kêu cứu nhiều nhất là những người dân khốn khó về chỗ ở càng khó khăn hơn khi giá nhà đất bị nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư và giới đầu cơ đẩy lên quá cao trong cơn sốt cuối năm 2007 đầu 2008.

Năm 2007, khi hàng loạt doanh nghiệp lãi lớn từ cơn sốt địa ốc thì hầu như không có doanh nghiệp nào tỏ ý muốn “chia sẻ” với xã hội. Lúc đó cũng chẳng có doanh nghiệp hay bất cứ ý kiến nào đề nghị các chủ đầu tư góp tiền vào các quỹ dự phòng, bảo hiểm, bình ổn giá cả…

Ngay cả việc dễ làm nhất là bớt chạy đua để hạ nhiệt thị trường BĐS cũng hiếm có doanh nghiệp, chủ đầu tư nào tham gia. Còn nay vừa gặp khó đã đòi nhà nước cứu.

TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng nói: “Mỗi loại quỹ có mục đích, đối tượng khác nhau, không thể cho rằng chưa có thiên tai thì lấy tiền này dùng cho BĐS. Bài học các quỹ hưu trí, bảo hiểm xã hội của Mỹ đầu tư vào chứng khoán, BĐS và thua lỗ nặng, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của những người tham gia quỹ này vẫn đang là vấn đề nan giải của chính quyền Mỹ”.

Ông Hưng cho rằng thay vì lập quỹ cỡ 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ các ngân hàng đối phó với nợ xấu BĐS thì nên dùng số tiền ấy để phát triển nhà ở xã hội, nhà giá bình dân cho những người cần nhà ở thực sự chứ không nên nhắm vào thị trường mua đi bán lại như vừa qua”.

Còn giám đốc điều hành một quỹ đầu tư còn e ngại tình trạng “bán nhà trên giấy” tràn lan không chỉ gây rủi ro cho khách hàng mà ngân hàng cũng sẽ “lãnh đủ” nếu dự án ngưng trệ, không trả nợ thì ngân hàng lấy gì để phát mãi?

Trao đổi với người viết, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định bơm vốn vào để giải quyết các khoản nợ sắp đến kỳ đáo hạn chẳng khác nào dùng “dầu cù là” để chữa bệnh nan y.

Những căn bệnh của thị trường BĐS Việt Nam như chưa xây móng đã muốn bán hết nhà, “thổi” giá bằng mọi chiêu, chủ đầu tư thích “tay không bắt giặc”, coi chữ tín nhẹ hơn tiền, tiền đã bỏ túi thì “sống chết mặc bay”…có lẽ bơm thêm vốn chỉ làm bệnh thêm trầm trọng.

Trong Hội nghị đầu tư quốc tế tổ chức đầu tháng 11/2008 tại TPHCM, TS kinh tế Ady Xie  khuyến cáo: “Nếu không kiểm soát tốt và chạy theo lợi ích nhóm, tiền chảy vào BĐS quá nhiều sẽ như con dao hai lưỡi. Việt Nam không nên để bong bóng BĐS phình lại”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG