Sau 3 năm liên tiếp đoán trúng, năm nay, tài khoản facebook Kaito Kid (một nhân vật trong seri truyện tranh Nhật Bản: Thám tử Conan) tiếp tục thu hút sự chú ý bằng việc thông báo 21h tối 27/6 sẽ dự đoán tác phẩm văn học được ra trong đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Ngữ văn (thí sinh dự thi sáng 28/6). Cách đây 3 năm, tài khoản này từng đoán đúng tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm (năm 2020), năm tiếp theo 2021 tiếp tục đoán trúng tác phẩm "Sóng" của Xuân Quỳnh.
Năm 2022, trước kỳ thi, tài khoản này đăng dòng trạng thái: "cuối cùng thì màn trình diễn ảo thuật đã kết thúc. Đề thi chính là chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu”. Trên thực tế, đề thi ra đúng vào tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa".
Ngay sau kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã mời công an vào cuộc. Kết quả xác minh cho thấy hoàn toàn không có việc lộ Đề thi môn Ngữ văn. Việc Kaito Kid đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi Ngữ văn dựa trên sự phân tích của cá nhân.
Hàng chục năm nay, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia (trước đây) và kỳ thi tốt nghiệp THPT (hiện nay) không có nhiều đổi mới nên khiến cho những người trong cuộc cảm thấy mệt mỏi.
Số tác phẩm văn học trong chương trình lớp 12 môn Ngữ Văn không nhiều đã dẫn đến tình trạng dễ đoán đúng, đoán trúng phần Nghị luận văn học của đề thi.
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi thi tốt nghiệp THPT cơ bản có 2 phần. Phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm). Trong đó, ngữ liệu của phần đọc hiểu thường được lấy ở ngoài sách giáo khoa, phần làm văn thường là cảm nhận, suy nghĩ, phân tích những tác phẩm, đoạn trích văn học trong chương trình chính khóa của sách giáo khoa Ngữ văn. Đề thi luôn có phần điểm sáng tạo nhưng không nhiều, chỉ dao động từ 0,5 đến 1,0 điểm trong thang điểm 10 của bài văn. Vì thế, về cơ bản khi chấm thi thì giám khảo phải chấm theo đáp án của người ra đề.
Thậm chí, trong phần đọc hiểu và phần làm văn thì mệnh đề yêu cầu: “theo em; trình bày suy nghĩ của em (anh, chị)…” nhưng người chấm vẫn bám vào đáp án của người ra đề. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm có từ gần 1 triệu đến hơn 1 triệu thí sinh dự thi môn Ngữ Văn, tức là ở phần đọc hiểu sẽ có bằng đó suy nghĩ khác nhau nhưng vẫn phải hướng vào đáp án mới có thể được điểm cao.
Chính vì thế, phần lớn giáo viên khi ôn thi phải có định hướng, phải luyện học sinh theo những lối mòn này và văn mẫu vẫn phát huy tối đa. Tình trạng đoán đề, tủ đề cũng là phương án lựa chọn của nhiều thí sinh.
Khi nào đoán đề chấm dứt?
Theo cô Trịnh Thu Tuyết, dạy Ngữ văn, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội nếu không có yếu tố tiêu cực thì việc "đoán đề" chỉ mang tính xác suất tương đối, như trúng số độc đắc. Thực chất, đoán đề là việc rất khó thực hiện ở phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội, vì dù có thể nhắc học trò lưu tâm một số vấn đề mang tính thời sự của xã hội, nhưng cuộc sống muôn màu muôn vẻ, thậm chí nếu đề có chạm tới đúng những vấn đề "hot" trong dự đoán thì góc độ các câu hỏi đọc hiểu và vấn đề yêu cầu bàn luận của câu Nghị luận xã hội cũng rất khó trùng khớp. Vì thế, nếu thí sinh lệ thuộc vào văn mẫu đoán sẵn của thầy, hậu quả sẽ còn tai hại hơn.
Riêng câu Nghị luận văn học, với cách thi như hiện nay, đề thi chắc chắn sẽ rơi vào một trong số hơn một chục tác phẩm đã được học trong chương trình Ngữ văn lớp 12, phép suy luận khá đơn giản về tính luân phiên của thể loại, tác phẩm, vấn đề... hoàn toàn có thể giúp thầy cô khoanh khá gọn một nhóm nhỏ các tác phẩm. “Tuy nhiên, dù là phần đọc hiểu hay làm văn, hai chữ "đoán đề" vẫn thể hiện rõ tính chủ quan, cảm tính, và hàm chứa rủi ro, nếu đặt lòng tin vào việc làm mạo hiểm này”, cô Trịnh Thu Tuyết chia sẻ.
Đồng thời cho rằng với cách học, cách dạy, cách thi như hiện nay, tình trạng học tủ học lệch, đoán đề... không dừng lại năm nay mà chắc chắn sẽ tiếp diễn tới năm học 2023 - 2024, sau đó, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện tới lớp 12, hiện trạng này mới có khả năng được cải thiện.
Hiện tại, tình trạng này sẽ được kiềm chế hay bị phát triển tràn lan, khó kiểm soát còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: quan điểm, phương pháp, nhân cách của thầy khi dạy/bản lĩnh, phương pháp của trò khi học. Nếu Bộ GD&ĐT có một chế tài nào đó với những hành vi đoán đề tràn lan trên mạng như hiện nay, làm nhiễu loạn tâm lí thí sinh, gây sự lệch lạc trong kì thi và đưa đến những hậu quả đáng tiếc cho chính thí sinh thì may ra tình trạng đó mới có thể kiểm soát.
“Tôi cho rằng những người thầy công khai đoán đề trên các phương tiện truyền thông cần có trách nhiệm hơn với thí sinh, bởi sự đoán trúng, dù hi hữu vẫn là có thể, khi ấy, thành "Thánh đoán đề", nhưng nếu đoán sai, không hề phải chịu trách nhiệm với bất kì thí sinh nào, bởi đó chỉ là "đoán" thôi, nhưng hậu quả là hàng ngàn thí sinh có thể thay đổi hoàn toàn đường đi, đích đến của cuộc đời mình”, cô Tuyết nêu vấn đề.
Cô Tuyết cho rằng đề thi Ngữ văn từ nhiều năm nay đã có sự chuyển biến theo hướng đổi mới đánh giá năng lực của học sinh, nhất là ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. Câu hỏi nghị luận văn học cũng đã cố gắng đổi mới, phát huy tính chủ động sáng tạo của thí sinh trong những câu lệnh có xu hướng mở, nhưng về cơ bản, những cố gắng đó chưa thể triệt để khi thí sinh sẽ chủ yếu nhắc lại những điều đã được thầy cô giảng trong số lượng hữu hạn các tác phẩm văn học của chương trình, thậm chí chép thuộc lòng văn mẫu.