Thi tốt nghiệp THPT: Băn khoăn kết quả môn Ngữ văn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Bắc Ninh có gần 17.500 thí sinh dự thi nhưng có tới 606 bài thi đạt mức điểm 9,75, cao nhất cả nước. Theo tính toán, cứ 10 thí sinh của địa phương này dự thi có 1 em đạt mức điểm 9,5 trở lên.
Thi tốt nghiệp THPT: Băn khoăn kết quả môn Ngữ văn ảnh 1
Một số địa phương có kết quả thi môn Ngữ văn vượt trội. Ảnh: Quỳnh Anh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh thực hiện bài thi Ngữ văn, trong đó có 2 thí sinh đạt điểm 10 và 1.843 bài thi đạt mức điểm 9,75. Sau khi công bố điểm thi, nhiều người bất ngờ khi tỉnh Trà Vinh có điểm môn Ngữ văn tăng gần 50 bậc so với năm ngoái, xếp thứ 2 toàn quốc.

Tỉnh Bắc Ninh năm nay có gần 17.500 thí sinh dự thi cũng có tới 606 em đạt mức điểm 9,75, chiếm 1/3 thí sinh toàn quốc có cùng mức điểm. Theo tính toán, cứ 10 thí sinh của địa phương này dự thi có một em đạt mức điểm từ 9,5 trở lên và 4 thí sinh dự thi có 1 em đạt mức điểm 9 trở lên.

Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất, lên tới hơn 104.000 thí sinh và cũng là nơi có nhiều trường THPT chuyên có lớp chuyên Ngữ văn nhưng chỉ có 215 thí sinh đạt mức điểm 9,75. Tiếp theo là Nam Định, Phú Thọ lần lượt có số thí sinh đạt mức điểm trên là 164 và 127.

Bắc Ninh cũng là địa phương có số lượng thí sinh thủ khoa khối C00 cao bất thường với 13 em có cùng mức điểm 29,75, gồm 3 môn: Văn, Lịch sử, Địa lý. Trong khi toàn quốc chỉ có 19 thí sinh có mức điểm này. Để có tổng điểm xét tuyển cao chót vót, 2 môn Lịch sử, Địa lý phải đạt mỗi môn 10 điểm và Ngữ văn 9,75 điểm.

T.T.T.H, giáo viên tham gia chấm thi Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội năm nay, cho rằng rất khó để học trò đạt mức điểm xuất sắc như vậy. “Liệu có sự bất thường nào đó liên quan đến khâu chấm thi? Các môn trắc nghiệm chấm bằng máy kết quả phản ánh khá chính xác năng lực học sinh, trong khi Ngữ văn là môn duy nhất chấm bằng tay, giáo viên có thể chấm chặt, lỏng khác nhau”, cô H nói.

Quy định chấm thi của Bộ GD&ĐT đưa ra rất chặt chẽ. Mỗi bài Ngữ văn được chấm bởi 2 giám khảo độc lập, đồng thời hướng dẫn các tình huống về sự chênh lệch điểm thi mức cao có thể được chấm lại bởi cán bộ thứ 3. Ngoài ra, mỗi hội đồng chấm đều có tổ chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài đã chấm nhằm đảm bảo đúng năng lực học sinh.

Cũng theo cô H, khi các địa phương tự tổ chức kỳ thi và chấm thi chính bài học sinh của mình sẽ có nguy cơ chấm không đều tay, gây mất công bằng cho học sinh giữa các tỉnh, thành phố. Nơi chấm nghiêm túc, giáo viên yêu cầu cao thí sinh sẽ thiệt thòi và ngược lại, thầy cô xuê xoa, chấm thoáng, trò được lợi trong khi kết quả sẽ được dùng cho cuộc đua vào các trường ĐH.

Một căn cứ quan trọng để giáo viên bám vào chấm bài thi Ngữ văn chính là đáp án và ba-rem điểm. Theo cô H, đáp án môn Ngữ văn khá mở. Như vậy, thí sinh chỉ cần trình bày theo hướng như yêu cầu thay vì phải có đủ lớp lang, khía cạnh, giải thích vấn đề, ý nghĩa… là đã có thể cho điểm.

Ví dụ, đối với một câu nghị luận xã hội 2 điểm đề yêu cầu viết về lòng yêu nước. Nếu đáp án quá mở, thí sinh chỉ cần viết đúng về tình yêu đất nước, không viết sang tình yêu đôi lứa là có thể có điểm. Trong khi từng giáo viên sẽ có quan điểm khác nhau, người chặt chẽ sẽ yêu cầu thí sinh nêu được tình yêu làng quê, thiên nhiên, liên hệ thực tế. Khi đó, thí sinh không đạt toàn bộ yêu cầu sẽ chỉ cho một nửa hoặc 2/3 số điểm trong khi giáo viên chấm “thoáng” cứ đúng định hướng sẽ cho điểm tối đa. Nhiều câu cộng lại, sự chênh lệch điểm rất lớn.

Theo giáo viên này, để đảm bảo công bằng khách quan, tránh “lạm phát” điểm, những năm tới có thể để các địa phương chấm chéo bài, đồng thời đáp án môn Ngữ văn cần có sự chi tiết nhất định.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Trà Vinh nói gì?

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Trà Vinh có điểm thi môn Ngữ văn đạt bình quân 8,1 điểm, cao hơn bình quân cả nước 0,87 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc sau Bắc Ninh.

Lý giải điểm thi môn Ngữ văn năm nay của học sinh trong tỉnh tăng vượt bậc, bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh cho biết, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã triển khai hàng loạt giải pháp, từng giáo viên cam kết chất lượng bộ môn với hiệu trưởng, lãnh đạo trường cam kết với sở, và đưa vào tiêu chí thi đua của năm học. Kèm đó, nhiều hoạt động trao đổi nghiệp vụ được tổ chức, như trao đổi thi đua cụm, tổ chức hội thảo khoa học môn Văn cấp tỉnh, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn chéo giữa các trường có sự hướng dẫn của Hội đồng bộ môn Văn cấp tỉnh.

Ngoài giờ học chính khóa, các trường tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém. Giáo viên cho các em thực hành làm bài với các đề thi thử, chấm, sửa bài, rút kinh nghiệm rồi yêu cầu các em làm đi làm lại cho đến khi nắm vững vấn đề, làm bài đạt yêu cầu mới chuyển bài khác.

Cũng theo bà Vân, với hướng dạy học phân hóa đối tượng học sinh, các em có điều kiện thực hành kỹ năng làm bài; học sinh chủ động học, ôn tập kỹ các nội dung kiến thức, kỹ năng, không bỏ sót kiến thức... Quá trình này được thực hiện mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi học kỳ và đều có tổng kết rút kinh nghiệm, vì thế học sinh đã quen với cấu trúc đề và cách làm bài thi.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Trà Vinh cũng cho biết, công tác tổ chức coi thi, chấm thi tốt nghiệp THPT được thực hiện đúng quy chế, nghiêm quy định và chuẩn quy trình. “Đề thi Văn năm nay theo hướng mở, nằm trong nội dung ôn tập của tỉnh. Đề tài gần gũi với nhận thức và tình cảm của học sinh nên các em tự tin thể hiện khá tốt bài làm, đạt kết quả cao”, bà Vân nói.

CẢNH KỲ

MỚI - NÓNG