Thí điểm y đức?

Thí điểm y đức?
TP - Bác nông dân cầm những tờ tiền lẻ nhàu nát cho vào phong bì, rồi dúi vào tay bác sỹ. Bác sỹ nghiêm nét mặt bảo: “Bác đừng làm thế, tôi không nhận đâu”. Bác nông dân buồn hẳn: “Sao lại thế, của ít lòng nhiều, bác sỹ nhận cho, hay là tôi đã làm gì có lỗi?” Bác sỹ ấy sau đó đã tâm sự:

“Với nhiều bệnh nhân, bác sỹ không nhận phong bì cũng lại trở thành bất thường, họ nghĩ mình không nhiệt tình, thậm chí nghĩ mình... chê ít”.

Nhưng khi mà phong bì trở thành “đầu câu chuyện” ở nhiều bệnh viện thì lỗi không thuộc về bác nông dân.

Bác nông dân hẳn rất vui nhưng sẽ đặt câu hỏi “Sao lại thế?” khi đọc tin này: 5 bệnh viện lớn ở Hà Nồi gồm Việt Đức, Bạch Mai, E, Phụ sản Trung ương và K thí điểm để triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao y đức, trong đó có nội dung “nói không với phong bì”. Dư luận xôn xao. Trên một số diễn đàn, thậm chí có nhiều người còn nửa tin nửa ngờ: “Thật không, hay nói vậy mà không phải vậy?”. Lẽ ra, việc bác sỹ nhận phong bì mới đáng xôn xao, không nhận phong bì là điều bình thường. Dường như ở đây, điều bình thường lại trở nên bất thường và điều bất thường lại trở thành bình thường.

Lương y dĩ nhiên không vòi phong bì. Nhưng người ta cứ hay gán lương y với lương tháng. Bác sỹ ở Việt Nam có mặt bằng lương thấp, lương y... như mười năm trước. Nhưng không thể suy luận máy móc rằng lương tâm nghề nghiệp tỷ lệ thuận với thu nhập. Giám đốc bệnh viện Việt Đức, ông Nguyến Tiến Quyết cho rằng “Có hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y và không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Có những thầy thuốc cả đời không nhận một đồng tiền nào của người bệnh, sống hoàn toàn bằng đồng lương trong sạch”.

Đó là điều có thật, nhưng dư luận vẫn mong việc triển khai nâng cao y đức mà ngành y tế đang thí điểm sẽ song hành với nâng lương cho tương xứng với một nghề cao quý như thầy thuốc. Bên cạnh tiếng nói của lương tâm bác sỹ, bên cạnh những cam kết y đức, thì việc nâng lương cũng chính là gốc rễ của câu chuyện “Nói không với phong bì”.

Nỗ lực nâng cao y đức gắn với 5 tiêu chí đối với cán bộ nhân viên y tế là phải có lời chào thân thiện, chỉ dẫn tận tình, thăm khám chu đáo cho bệnh nhân, nói không với phong bì, tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Những việc này đương nhiên phải làm, nhưng vì sao lại phải “thí điểm”?

Không thể đưa y đức ra để “thí điểm”. Ở Việt Nam đã có nhiều thứ được đưa ra thí điểm, nhưng rồi kết cục thường không được như mục địch đề ra. Y đức nói rộng ra là đạo đức ít khi được “nâng cao” một cách đơn giản nhờ những triển khai mang tính phong trào. Y đức gắn với lương tâm, cũng như ứng xử văn minh thường gắn liền với văn hóa.

Nếu chỉ “thí điểm”: “nói không với phong bì” ở 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội thì nhiều bệnh viện ở TPHCM và các tỉnh thành trong cả nước lẽ nào lại đang đứng ngoài cuộc?

Nhưng qua việc “nói không với phong bì” của 5 bệnh viện lớn, phải chăng các bác sỹ, trí thức và các nhà quản lý của ngành y đang phản tỉnh để lấy lại hình ảnh “thầy thuốc như mẹ hiền” vốn đã bị vấy bẩn trong cơ chế thị trường? Dư luận đã thấy sự phản tỉnh đó ít nhiều trong ngành giáo dục với phong trào “hai không”, đã thấy sự phản tỉnh đó trong bóng đá với sự thay đổi mang tính cách mạng ở VFF. Sự phản tỉnh của ngành y là đáng chờ đợi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.