Theo dấu đàn voi rừng về phá ống nước của dân

Anh Tăng Tâm chỉ vết chân voi và đoạn đường ống vừa bị đàn voi làm hỏng. Ảnh: h.Văn
Anh Tăng Tâm chỉ vết chân voi và đoạn đường ống vừa bị đàn voi làm hỏng. Ảnh: h.Văn
TP - 7 con voi rừng vừa xuất hiện tại bìa rừng ở Quảng Nam được người dân địa phương chứng kiến và ghi lại hình ảnh. Lần đầu tiên, sau 10 năm, voi rừng tái xuất hiện khiến nhiều người tò mò.

Chúng tôi trở lại thôn Cấm La (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) - nơi phát hiện 7 con voi rừng. Anh Tăng Tâm (21 tuổi) người trực tiếp nhìn thấy đàn voi rừng và ghi lại hình ảnh, kể lại: Lúc đó khoảng 8 giờ sáng ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, khi hai bố con anh vào rừng để kiểm tra ống nước thì phát hiện đàn voi rừng 7 con. Theo quan sát của anh Tâm, trong số 7 con voi có 2 con voi đực có ngà (một con to, một con nhỏ). Đàn voi đang ăn đường ống dẫn nước ở con suối, cách chỗ bố con anh Tâm đang đứng khoảng hơn 100m. “Ban đầu tôi cũng thấy sợ. Nhưng sau một hồi quan sát thì thấy đàn voi rất lành, không chủ động tấn công khi thấy người nên bình tĩnh lấy điện thoại ghi lại hình ảnh đàn voi” - anh Tâm nói. Trở về, anh Tâm chia sẻ câu chuyện cùng hình ảnh, clip của mình với người dân và cung cấp cho cơ quan chức năng để có giải pháp bảo vệ.

Tận mắt thấy voi rừng

Theo chân anh Tâm, chúng tôi tìm đến khu vực bìa rừng - nơi phát hiện 7 con voi. Đường núi gồ ghề, nhiều dốc và đá, hai bên là bạt ngàn cao su. Trời mưa nên cũng ít người qua lại. Anh Tâm cho hay, thường thì người dân địa phương vẫn phải đi qua con đường này để vào rẫy hoặc khai thác mủ cao su. Đi sâu vào rừng khoảng hơn 1km xuất hiện những dấu chân voi còn mới in ở hai bên lối đi. Đi tiếp khoảng 500m, chúng tôi chứng kiến những ống nước bị đứt nhiều đoạn cùng nhiều dấu chân voi có đường kính vài chục centimet. “Khi chứng kiến tôi thấy voi cũng rất hiền, ngoài cắn phá vòi nước thì voi không hề chủ động tấn công người”.

Dù nơi ở chỉ cách rừng khoảng 1km nhưng lâu nay câu chuyện về voi rừng vẫn được nhiều người dân địa phương truyền tai nhau chứ hiếm ai trực tiếp thấy. Ông Phan Ước (70 tuổi) cho hay ông sống ở đây mấy mươi năm và có 18 năm làm thôn trưởng nhưng chưa dịp nào được tận thấy voi rừng. Ông Ước cũng như nhiều người dân thôn Cấm La được tập huấn xử lý khi thấy voi rừng, mỗi hộ cũng được cấp 1 thau đồng và 1 cán gõ để phòng khi thấy voi xuất hiện. Ngoài ra, mỗi nhà cũng chủ động trồng ớt, sả xung quanh nhà để ngăn bước voi vào nhà. “Lâu nay thấy đường ống dẫn nước hay bị cắn phá nhưng không biết vì lý do gì cho đến hôm bố con anh Tâm trực tiếp nhìn thấy và ghi lại hình ảnh này” - ông Ước nói.

Từ trước khi đàn voi rừng 7 con xuất hiện, lực lượng chức năng đã triển khai tập huấn cho người dân phòng tránh và xử lý khi thấy voi rừng. Mỗi nhà được hỗ trợ 1 chiếc chiêng đồng để gõ báo động khi thấy xuất hiện voi. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng được bố trí 2 tổ bảo vệ voi (xã Phước Ninh và xã Quế Lâm) với nòng cốt là lực lượng dân phòng xã phối hợp với kiểm lâm viên thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo vệ rừng và bảo vệ động vật quý hiếm trong đó có voi.

Khẩn trương bảo vệ đàn voi

Ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn, cho hay khu vực đàn voi xuất hiện thuộc khu rừng đặc dụng rộng 18.977,1 ha và đang được quy hoạch xây dựng khu bảo tồn. Tại đây, ngoài voi là loại đặc hữu còn có một số loài động vật quý hiếm khác như Voọc chà vá, vượn, sơn dương, chim trĩ…

Theo dấu đàn voi rừng về phá ống nước của dân ảnh 1

Người dân thôn Cấm La, xã Quế Lâm được trang bị bộ chiêng đồng để gõ thông báo khi thấy voi xuất hiện. Ảnh: H. Văn

Đây là lần đầu tiên sau 10 năm người dân mới trực tiếp thấy voi rừng. Năm 2004, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên WWF thực hiện đề án bảo vệ voi rừng (trong 3 năm từ 2004 - 2007). Thời điểm này cơ quan chức năng có đặt bẫy ảnh và ghi lại được hình ảnh đàn voi. “Ngay cả các đoàn nghiên cứu nhiều lần về cũng chỉ tìm thấy dấu chân hoặc phân voi chứ chưa có dịp chứng kiến tận mắt” - ông Nguyên nói. Bản tính của voi ở rừng này rất hiền nhưng phản xạ tự nhiên khi thấy người xuất hiện ở khoảng cách gần thì rất có thể voi sẽ tấn công để tự vệ, do vậy cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hạn chế qua lại khu vực này, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý đã được tập huấn trước đó. Đặc biệt, khuyến cáo người dân không được kích động đàn voi, chủ động bảo vệ tài sản của mình. Theo ông Nguyên, nỗi sợ của người dân là hoàn toàn có cơ sở khi câu chuyện cán bộ kiểm lâm từng bị voi rừng tấn công khi đang đi công tác ở rừng năm 2003.

Ngay sau khi có thông tin đàn voi rừng xuất hiện, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho hay đã có phương án bảo vệ đàn voi rừng này và xây dựng dự án bảo tồn. Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, Dự án Khẩn cấp bảo tồn Voi Việt Nam được Tổng cục Lâm nghiệp triển khai thực hiện tại Quảng Nam từ năm 2015, theo đó Tổng cục Lâm nghiệp đã cử đoàn chuyên gia phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam tổ chức đợt khảo sát voi trên địa bàn tỉnh và kết quả theo báo cáo đã thu thập đầy đủ các chứng cứ có sự tồn tại của 2 đàn voi tại xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức (gồm 2 con), và xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn gồm 6-7 con. Đàn voi tại Nông Sơn qua phân tích của các chuyên gia tham gia khảo sát có đầy đủ cá thể đực, cái, nhỡ và con non.

Hiện, Bộ NN&PTNT đã chính thức phê duyệt chủ trương và giao Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án xác lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tỉnh Quảng Nam với diện tích là 18.977 ha trên 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh thuộc huyện Nông Sơn. Đề án đã được các sở, ban ngành, địa phương có liên quan cũng như Tổng cục Lâm nghiệp có ý kiến góp ý. Sở NN&PTNT Quảng Nam chỉnh sửa theo yêu cầu và đồng ý trình tỉnh phê duyệt.

Ngày 14/2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam gửi văn bản yêu cầu UBND huyện Nông Sơn hỗ trợ và phối hợp chỉ đạo các ngành địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường tuyên truyền cảnh báo cho nhân dân biết về tình hình đàn voi hiện nay;  yêu cầu người dân không nên tập trung để quay phim, chụp hình hoặc xua đuổi voi non, hạn chế đi lại trong rừng, ngủ nghỉ lại trong rừng dễ xảy ra xung đột gây nguy hiểm đến tính mạng, không dùng vũ khí kích động voi…

MỚI - NÓNG