Theo Sở Công Thương Hà Nội, quyết định thanh tra được đưa ra sau một số thông tin về những dấu hiệu vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp của đơn vị này. Trước đó, một số phương tiện truyền thông có đưa tin về việc MLM Việt Nam đã mời gọi người tham gia bán hàng đa cấp bằng cách giới thiệu về ban lãnh đạo bề thế, giá hàng bán đội gấp 9 lần so với thị trường...
Cũng theo Sở Công Thương, người dân nếu có những thông tin về những dấu hiệu vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp của MLM Việt Nam, có thể thông tin, gửi tài liệu về cơ quan này.
Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố còn 47 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp đã đăng ký và được cấp phép hoạt động. Trên 80% trong số này đăng ký kinh doanh thực phẩm chức năng, còn lại là bán mỹ phẩm, hàng gia dụng.
Cơ quan này cũng cho hay, để mở rộng mạng lưới, các doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu sản phẩm, thu hút từ 100 - 200 người tham gia.
“Tuy không mới ở Việt Nam nhưng kinh doanh đa cấp tiềm ẩn nhiều phức tạp, dễ nảy sinh vi phạm, có nguy cơ gây mất ổn định môi trường kinh doanh, thiệt hại cho người tiêu dùng”, báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhận định.
Riêng trong quý I/2016, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, giám sát hoạt động 7 doanh nghiệp. Năm 2015, cơ quan này đã kiểm tra và xử phạt hành chính 1,1 tỷ đồng với hoạt động kinh doanh đa cấp, đồng thời, buộc nộp lại vào ngân sách 55,5 triệu đồng số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm.
Cách đây khoảng một tuần, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp tại 7 doanh nghiệp. Trong đó có một số tên tuổi khá đình đám như Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Maketing Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam... Một số doanh nghiệp trước đó cũng đã bị rút giấy phép.