Trong công trình này, tác giả đã đề xuất một phương pháp tính toán cho phép tiếp cận và giải quyết hiệu quả bài toán tính toán cấu trúc điện tử của các hệ vật liệu hai chiều có cấu trúc tinh thể. Phương pháp này không giống cách tiếp cận truyền thống, gọi là cách tiếp cận 3 chiều hay cách tiếp cận siêu ô mạng (supercell), đang được tích hợp rộng rãi trong các phần mềm tính toán khoa học vật liệu. Phương pháp của PGS Đỗ Vân Nam có điểm nổi bật là kết hợp hai kỹ thuật tính toán triển khai theo hai không gian khác nhau cho phép vừa tính đến được tính chất tuần hoàn của mạng tinh thể theo hai chiều không gian, vừa tính đến được bản chất suy giảm tự nhiên của các trạng thái electron ra khỏi bề mặt lớp vật liệu (chiều không gian thứ ba).
“Các bài toán khoa học nói chung và trong lĩnh vực vật lý chất rắn nói riêng, việc vận dụng và sáng tạo các phương pháp và kỹ thuật tính toán hiệu quả là điều vô cùng quan trọng. Trong bài báo này, tôi đề nghị một phương pháp mới và chứng minh rằng nó sẽ giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề liên quan tới vật lý và các tính chất cơ bản của lớp các loại vật liệu hai chiều đang được tập trung nghiên cứu mạnh mẽ hiện nay. Tôi hy vọng sẽ có những đóng góp nhất định cho cộng đồng Vật lý quốc tế, cho những người cũng đang phải đối mặt với khó khăn và giới hạn của năng lực tính toán thông thường” – PGS. Đỗ Vân Nam chia sẻ.
Bài báo được tác giả gửi đến tạp chí Physical Review B ngày 25/01/2017 và được phản biện kín bởi hai chuyên gia hàng đầu thế giới trong cùng lĩnh vực nghiên cứu. Theo quy định của Physical Review B các bài báo gửi nộp phải rất chuẩn mực về phong cách trình bày, cô đọng, súc tích nhưng vẫn truyền tải đầy đủ nội dung, nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của nghiên cứu. Bên cạnh đó ngôn ngữ thể hiện phải chuẩn xác và trong sáng.