Tờ The Wall Street Journal (WSJ - Tạp chí phố Wall) hôm 13/3 đưa tin: "Ukraine nhiều lần đề nghị Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa, có tầm bắn 290 km. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc thời điểm đó cho rằng quân đội Mỹ không thể cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa nguyên bản vì phải đáp ứng nhu cầu của quân đội nước này".
Theo ấn phẩm, hiện, Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét phương án chuyển giao cho Ukraine tên lửa ATACMS tầm xa vì quân đội Mỹ đã nhận được tên lửa tấn công chính xác thế hệ tiếp theo.
Hôm 12/3, Mỹ thông báo sẽ gửi một gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine. Đây là gói viện trợ đầu tiên của Washington dành cho Kiev trong bối cảnh gói đề xuất viện trợ bổ sung vẫn bị đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ chặn lại trong nhiều tháng.
Tờ Politico sau đó dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Lầu Năm Góc có kế hoạch gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự trên. Đây có thể là phiên bản cũ của ATACMS và đầu đạn của chúng có thể trang bị hàng trăm quả đạn chùm.
ATACMS được tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ phát triển và sản xuất từ những năm 1990. Tên lửa được thiết kế để trang bị trên tổ hợp pháo phản lực HIMARS, có khả năng vô hiệu hóa các sở chỉ huy và phá hủy kho vũ khí, đạn dược của đối phương.
Tháng 10/2023, Nhà Trắng chính thức xác nhận cung cấp ATACMS cho Ukraine, sau khi quân đội Ukraine cho biết đã sử dụng chúng lần đầu tiên trên chiến trường. Các mục tiêu là các sân bay quân sự nằm gần Berdiansk, tỉnh Zaporizhzhia và Luhansk.
Phiên bản ATACMS được gửi tới Ukraine là MGM-140A có tầm bắn 165 km. Tên lửa này có khả năng giải phóng 950 quả đạn con, gây sát thương trên một khu vực rộng lớn.