"Lầu Năm Góc có thể sẽ gửi máy bay tác chiến điện tử EA-18 Growler tới căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ". Thông điệp trên được một cổng thông tin điện tử về quân sự của Nga công bố, dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo các nhà phân tích Nga, EA-18 Growler, với thiết kế đặc biệt, sở hữu đến 5 thiết bị gây nhiễu chiến thuật ALQ-99, giúp nó vượt qua hầu hết các hệ thống phòng không tiên tiến nhất, là quân bài khắc chế tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 mà Nga đang triển khai tại căn cứ Hmeimim, Syria. Theo Sputnik, nếu chính xác thì đây rõ ràng là một nước cờ không thiện chí nhằm vào Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 bắn rơi máy bay Su-24 của Nga với lý do phi cơ này xâm phạm không phận. Tuy nhiên, Moscow khẳng định máy bay của họ chỉ hoạt động trên lãnh thổ Syria.
Alexei Leonkov, chuyên gia quân sự từ tạp chí Fatherland's Arsenal, cho rằng sự cố đối với Su-24 Nga không thể xảy ra nếu không có sự tham gia của Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với trang tin defence.ru, ông Leonkov đã phác họa ra cách thức mà quá trình tiêu diệt chiến đấu cơ Nga được chuẩn bị.
"Ngày 24/11, một chiếc Boeing E-3 Sentry của không quân Mỹ cất cánh từ Căn cứ Điều hành Chuyển tiếp Preveza ở Hy Lạp. Chiếc E-3A thứ hai của không quân Arab Saudi xuất phát từ căn cứ Riyadh. Cả hai phi cơ đều có một nhiệm vụ chung là tìm ra vị trí chính xác của các máy bay thuộc không quân Nga", ông Leonkov cho hay.
"Oanh tạc cơ Su-24M2 của Nga đang trở về căn cứ sau khi thực hiện nhiệm vụ và không ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Máy bay E-3 lúc này lập tức chuyển dữ liệu về vị trí của Su-24M2 đến hai chiến đấu cơ F-16CJ Thổ Nhĩ Kỳ đê chúng khai hỏa tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder vào phần đuôi của máy bay ném bom Nga từ khoảng cách 4 - 6km. Su-24M2 của Nga không có hệ thống đối phó với tên lửa AIM-9X. Thảm kịch có lẽ đã không xảy ra nếu phi cơ Nga được hộ tống bởi một cặp máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM trang bị tổ hợp điện tử 'Khibina-U'", Leonkov nhấn mạnh.
Chính vì thế, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các máy bay ném bom của nước này tham gia không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria phải được hộ tống bởi chiến đấu cơ. Đồng thời, mọi mục tiêu có khả năng trở thành mối đe dọa đối với phi cơ Nga đều sẽ bị tiêu diệt. Đây được xem như một trong những cách nhằm giúp Moscow bảo vệ tốt hơn các oanh tạc cơ đang hoạt động ở Syria.
Điện Kremlin còn cân nhắc sử dụng tới phương pháp chiến tranh điện tử, nhằm bảo vệ an toàn tối đa cho các phi cơ. Trong trường hợp máy bay Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác có ý định tấn công vào hệ thống an ninh Nga bằng cách sử dụng các thiết bị gây nhiễu, nhiều khả năng Moscow sẽ phải dùng tới những loại vũ khí mới, được trang bị công nghệ bức xạ điện từ.
Năm 2001, trong khuôn khổ triển lãm LIMA-2001 tổ chức ở Malaysia, Nga đã trưng bày bản mẫu của một máy phát bức xạ tác chiến điện tử với tên gọi Ranets-E, được phát triển nhằm đối phó với các vũ khí độ chính xác cao.
Ranets-E gồm một anten, một nguồn phát xung công suất cao, thiết bị điều khiển và nguồn cấp điện phụ. Hệ thống này tạo xung trong khoảng 10 - 20 nano giây.
Ranets-E có tính cơ động cao, có thể đặt cố định hay đi kèm các phương tiện khác, kể cả trên máy bay vận tải. Mức năng lượng nó phát ra vượt quá 500 megawatts và có thể làm hỏng hay gián đoạn hệ thống dẫn đường của tên lửa cũng như các hệ thống điện tử trên các phương tiện bay, kể cả máy bay không người lái, ở khoảng cách lên tới 30 km.
Nói một cách khác, đây là loại vũ khí vô cùng hữu hiệu trong việc phá hủy các thiết bị điện tử. Vì thế, nếu kho vũ khí của Nga ở Syria chứa những hệ thống tương tự Ranets-E, đây sẽ là chốt chặn giúp vô hiệu hóa mọi tác nhân gây nguy hiểm trước khi chúng kịp can thiệp vào hoạt động của chiến đấu cơ Nga, theo Sputnik.
Bên cạnh đó, giới phân tích đánh giá sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tuần dương hạm Moskva, đóng tại khu vực sát bờ biển tỉnh Latakia, cũng sẽ mang đến cho Nga khả năng kiểm soát chặt chẽ hơn không phận Syria, gia cố thêm lớp lá chắn bảo vệ các máy bay của nước này.
S-400 có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây. Hệ thống này có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực chất S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm. Nó có thể hạ mục tiêu như chiến đấu cơ ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5 - 10 m. Đây là đặc điểm mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất kỳ quốc gia nào làm được.
Trong khi đó, tuần dương hạm Moskva, được trang bị 64 tên lửa hạm đối không tầm xa S-300F, sẽ đóng vai trò như một lính gác, hỗ trợ đắc lực cho S-400.
Các tính năng của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Nga. Đồ họa: Tiến Thành
Để nâng cao khả năng kiểm soát bầu trời, tuần dương hạm Moskva còn sở hữu cả radar tìm kiếm 3D đối không Voskhod MR-800, cự ly quét trên không đối với các mục tiêu bay lớn như máy bay ném bom là 366 km và đối với các mục tiêu máy bay tàng hình là 183km.
Với sự kết hợp của bộ ba này, cơ chế phòng thủ của Nga ở Syria sẽ trở nên "bất khả xâm phạm", giống như lời của một bình luận viên từ CNN từng nhận định "bất kỳ máy bay nào trong không phận Syria, dù là của Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước NATO, sẽ chỉ được phép bay nếu người Nga bật đèn xanh".