Thể thao Việt Nam: Tầm còn thấp quá!

Thể thao Việt Nam: Tầm còn thấp quá!
TP - Thế là lần lượt những hy vọng nhỏ nhoi của thể thao Việt Nam xuất hiện, và cũng lần lượt vụt tắt tại một đấu trường rõ ràng là quá sức của mình.
Thể thao Việt Nam: Tầm còn thấp quá! ảnh 1
Hoàng Anh Tuấn cuối cùng cũng chỉ giành được tấm HCB an ủi

Đoàn thể thao Việt Nam có 21 VĐV tới Bắc Kinh với hy vọng lớn nhất dồn cả vào cho tấm HCV của lực sĩ cử tạ nam hạng 56 kg Hoàng Anh Tuấn. Cuối cùng Tuấn cũng chỉ giành được tấm HCB an ủi.

Bởi lẽ ở nhà nhất mẹ nhì con, khi đến với Thế vận hội thành tích thi đấu của Tuấn không thể vượt qua được các đối thủ giầu kinh nghiệm hơn và mạnh hơn cả về trình độ và thể lực như các lực sĩ đồng hạng của chủ nhà Trung Quốc.

Ngay khi lên đường, Hoàng Anh Tuấn cùng ban huấn luyện cũng đã biết chắc rằng cử tạ Trung Quốc là cực mạnh, và việc đánh bại họ là không thể. Diễn biến đã đúng như những đánh giá ban đầu.

Lần này Tuấn phải gặp một địch thủ trẻ hơn anh nhiều. Lực sĩ Trung Quốc Long Qingquan mới 17 tuổi. Thành tích cử giật của Tuấn là 130 kg và thành tích cử nâng của anh là 160 kg. Cử tổng của Tuấn được 290 kg kém Qingquan tới 2 kg chấp nhận tấm HCB.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí nhà có mặt tại Trung Quốc, Tuấn đã nói rất thật: “Khi Long Qingquan xuất hiện, tôi biết chắc mình gặp đối thủ. Tôi đã cố gắng vượt qua lực sĩ Inđônêxia Eko Yuli Irawan và buộc phải hài lòng với tấm HCB của mình. Tôi đã hơn Eko 2 kg và kém Qingquan 2 kg”.

Tấm HCB cử tạ của Tuấn là tấm HCB thứ hai của thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympic. Tấm HCB đầu tiên của Việt Nam do nữ võ sĩ Trần Hiều Ngân giành được trong môn Taekwondo tại Sydney 2000.

Có thể kể thêm những thành tích của Tuấn. Anh giành được 2 HCV tại giải vô địch cử tạ châu Á tổ chức ở Kanazawa, Nhật Bản hồi tháng 4/2008. Tuấn còn giành được 1 HCB tại Á vận hội Doha tổ chức ở Cata năm 2006.

Lực sĩ Nguyễn Thị Thiết cử tạ nữ hạng 63 kg may mắn lọt vào tốp thi đấu tranh huy chương nhưng với thành tích khởi điểm 125 kg. Thiết thi đấu trong tuyệt vọng bởi các lực sĩ thi đấu với Thiết đều có thành tích 140 kg hơn Thiết tới 15 kg.

Sau tấm HCB gọi là đạt yêu cầu của Hoàng Anh Tuấn những hy vọng khác của thể thao Việt Nam đã không thành sự thật.

Lê Ngọc Nguyên Nhung cầu lông không thể lọt vào vòng tiếp theo sau khi để thua tay vợt Nhật Bản Hirose Eriko với 2 séc khá cách biệt  ở vòng 1/32 là 21-7 và 21-12. Trước đó trong vòng 1/64 Nguyên Nhung đã thắng tay vợt Xri Lanca Jayasinghe Thilini với hai séc là 21-13 và 21-12.

Thể dục dụng cụ nữ tại vòng loại môn thi toàn năng cá nhân, Đỗ Thị Ngân Thương được 52.100 điểm bị loại ngay vòng đầu tiên. Cùng thi với Ngân Thương có 98 vận động viên. Ngân Thương chỉ giành được vị trí dưới trung bình là vị trí thứ 59!

Thương là vận động viên thể dục dụng cụ đầu tiên của Việt Nam được thi đấu tại một kỳ thế vận hội. Tại Đông Nam Á, Ngân Thương tham gia thi đâú liên tiếp ở 3 kỳ SEA Games (2 năm một lần) và đoạt được cho môn thể thao non trẻ này của Việt Nam tới 5 HCV.

Nguyễn Hữu Việt HCV SEA Games 24 trong cự ly bơi 100m ếch nam (1 phút 03 giây 73) nhưng tới với Olympic bị loại ngay vòng đầu tiên.

Xạ thủ lão tướng Nguyễn Mạnh Tường, tay súng đầu tiên của Việt Nam được thi đấu ở một Olympic, trong cự ly 10m súng ngắn hơi chỉ giành được 573 điểm đứng thứ 34/48 xạ thủ tham gia thi đấu.

Ở SEA Games 24 tổ chức tại Nakhon Ratchasima, Thái Lan, Tường giành được 2 HCV trong các môn súng ngắn tự chọn 10m và súng ngắn hơi 10m. HCV trong môn thi của Tường tại Olympic lần này về tay xạ thủ Trung Quốc Pang Wei với thành tích 688,2 điểm hơn Tường tới 115,2 điểm!

Thất vọng lớn nhất cho tới lúc này là tay vợt cầu lông nổi tiếng Nguyễn Tiến Minh, 25 tuổi. Minh đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông Thế giới, thua bàng hoàng trước tay vợt có thứ hạng thấp hơn đứng thứ 49 người Đài Bắc là Hsieh Yu-Hsing.

Minh bị loại 2-1 với các tỷ số: 16-21, 21-15 và 15-21. Vì quá hồi hộp Minh mắc rất nhiều lỗi sơ đẳng. Nhìn nét mặt đầm đìa mồ hôi, thua đến thất thần của Minh trong khi trả lời phỏng vấn, người hâm mộ cũng phải thông cảm với tay vợt mạnh nhất của Việt Nam hiện nay.

Tại Thế vận hội 29 tổ chức tại Bắc Kinh lần này đoàn VĐV Việt Nam thi tài tại các môn thi như Taekwondo, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, TDDC, bắn súng, điền kinh. Riêng môn wushu, môn võ Trung Quốc, chỉ được thi đấu biểu diễn không có huy chương. Tiếc thay môn này Việt Nam lại mạnh nhất!

Chỉ nhìn qua những thất bại tất yếu của thể thao Việt Nam trên đấu trường lớn nhất thế giới mới thấy là muốn làm nên chuyện không thể dùng tới mẹo vặt “Đi tắt đón đầu”.

Các cuộc thi ở Thế vận hội bao giờ cũng đòi hỏi các VĐV phải được đầu tư được đào tạo bài bản. Rõ ràng tấm huy chương Olympic có giá trị riêng của nó.

Dù sao đây cũng là những bài học bổ ích, những bài học xương máu rất quý báu cho thể thao Việt Nam trong các cuộc chơi tầm cỡ thế giới như Olympic trong tương lai. 

MỚI - NÓNG