Biểu tình lan ra các trường học Pháp

Những người biểu tình đứng chặn trên đường phố ngày 3/12 tại Pháp.
Những người biểu tình đứng chặn trên đường phố ngày 3/12 tại Pháp.
TPO - Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo đảng đối lập khi cuộc biểu tình trên toàn quốc tiếp tục lan tới trường học. 

Bảy người đã bị bắt sau khi cảnh sát bạo động được gọi đến trường trung học Jean-Pierre Timbaud ở Aubervilliers ở vùng ngoại ô phía bắc Paris.

Cùng với các cuộc biểu tình tại các trường học khắp nước Pháp, 11 kho nhiên liệu cũng đã bị những người biểu tình chặn lại và đóng cửa. Hơn 70 trạm  dịch vụ nhiên liệu đã bị phong tỏa ở Brittany để chặn những người vào mua nhiên liệu.

Một cuộc thăm dò ý kiến do Harris Interactive thực hiện sau vụ biểu tình ngày 1/12 ở Paris cho thấy, 72% người Pháp vẫn ủng hộ phong trào biểu tình phản đối việc tăng thuế nhiên liệu và đã trở nên đối lập với chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron khi cho rằng hệ thống thuế  không công bằng và ủng hộ người giàu.

Dự kiến hôm nay, 4/12, Thủ tướng Pháp sẽ gặp gỡ đại diện những người biểu tình. Tuy nhiên, đây là phong trào bắt nguồn từ trên mạng xã hội nên không có cơ cấu lãnh đạo. Một đại diện của phong trào này tại Paris cho biết, ông đã nhận được lời đe dọa chết người nếu không gặp gỡ chính phủ.

Jacline Mouraud, một trong những người khởi xướng chính của phong trào biểu tình " Áo vàng" cho biết, đề nghị bỏ thuế nhiên liệu là “điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc thảo luận nào” với chính phủ.

Benjamin Griveaux, Phát ngôn viên chính phủ Pháp cho biết, chính phủ sẽ không nhượng bộ lớn. Đây là thách thức lớn nhất của Tổng thống Macron khi vừa muốn làm dịu cơn giận dữ của quần chúng ngày càng lan rộng, nhưng lại không chấp nhận bạo lực.

Hầu hết các chính trị gia đối lập kêu gọi chính phủ từ bỏ thuế  nhiên liệu dự kiến bắt đầu từ tháng 1/2019, duy nhất có đảng Xanh cho rằng, vẫn nên áp thuế nhưng mức thuế phải công bằng hơn.

Laurent Wauquiez, lãnh đạo đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, cho biết ông Macron nên kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về thuế carbon nhằm tôn trọng tiếng nói của người dân, tuy nhiên họ cũng không xác định được hình thức trưng cầu dân ý như thế nào.

Cuộc biểu tình ngày 1/12 đã gây ra mối lo ngại lớn trong cộng đồng các doanh nghiệp Pháp bởi thiệt hại ước tính đã lên tới hàng tỷ euro.

Liên đoàn các khách sạn cho biết, số lượng đặt phòng đã giảm 15% kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình. Các cửa hiệu ở Paris và các thành phố nơi diễn ra các cuộc bạo loạn như Toulouse cho biết, họ đã bị thiệt hại lớn khi đang vào mùa mua sắm Giáng sinh, mùa làm ăn lớn nhất năm.

Theo The Guardian
MỚI - NÓNG