Trong lúc phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu phải ra ở Canada, ông Trump nói với Reuters rằng ông sẽ can thiệp với Bộ Tư pháp Mỹ về vụ kiện bà Mạnh nếu điều đó có lợi cho an ninh quốc gia hay giúp Mỹ đạt được thoả thuận thương mại với Trung Quốc.
Các chuyên gia về luật và quan chức Canada nói rằng phát biểu này của ông Trump có thể giúp luật sư của bà Mạnh bác bỏ việc truy tố bà vì cho rằng có động cơ chính trị đằng sau. Cách biện hộ này sẽ được chú ý tại Canada vì ở đây các thẩm phán đặc biệt cảnh giác với những hành động lạm dụng hệ thống tòa án.
“Ông Trump đã trao cho các luật sư của bà Mạnh cơ hội tranh tụng trước tòa rằng vụ truy tố này đã bị chính trị hóa và do đó phải chấm dứt quy trình dẫn độ”, Reuters dẫn lời ông Robert Currie, một giáo sư ngành luật quốc tế tại ĐH Dalhousie ở Canada. Một quan chức Canada cũng đồng ý với nhận định này.
Các công tố viên Mỹ cáo buộc phó chủ tịch Huawei đã lừa dối các ngân hàng đa quốc gia trong những giao dịch liên quan đến Iran, đẩy các ngân hàng đó đến nguy cơ vi phạm những lệnh cấm vận của Mỹ.
Nếu một tòa án ở Canada ra phát quyết rằng cáo buộc này đủ mạnh, Bộ trưởng tư pháp Canada sẽ quyết định có dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ hay không. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, bà Mạnh sẽ đối mặt với án tù 30 năm với những tội danh nêu trên.
Các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ đã “dựng lên” với phát biểu của ông Trump. Khi được đề nghị cho biết ý kiến về điều này, Phó Tổng chưởng lý Mỹ John Demers nói rằng Bộ Tư pháp không phải là “một công cụ cho thương mại”.
“Điều chúng tôi làm ở Bộ Tư pháp là thực thi pháp luật. Chúng tôi không làm thương mại”, ông Demers nói.
Đội luật sư của phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu chưa nói gì về điều này. Nhà Trắng cũng chưa phản hồi đề nghị bình luận, Reuters cho biết.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói rằng quy trình thực thi pháp luật không nên bị lợi dụng cho mục đích chính trị, và các luật sư của bà Mạnh có thể dựa vào phát biểu của ông Trump để phản đối việc dẫn độ.
Ông Bennett Gershman, một giáo sư tại Trường luật Pace ở New York, nói rằng rất khó để dùng vấn đề an ninh quốc gia hay chính sách đối ngoại để biện hộ cho khả năng ông Trump can thiệp vào vụ việc Huawei.
“Có vẻ ông Trump đang dùng vụ này làm công cụ mặc cả để đạt được thỏa thuận thương mại hoặc lợi ích tài chính”, ông Gershman nói.
Đã có tiền lệ Nhà Trắng can thiệp vào các vụ án hình sự vì lý do đối ngoại. Chính quyền Obama năm 2016 bác bỏ những buộc tội đối với một người đàn ông vì“những lợi ích đối ngoại đáng kể” liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và đồng ý trao đổi tù nhân với Iran.
Đầu năm nay, ông Trump xem lại hình phạt đối với hãng công nghệ ZTE của Trung Quốc sau khi hãng này bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt thương mại với Iran, với lý do ZTE là khách hàng lớn của các nhà cung cấp Mỹ.
Phó Chủ tịch Huawei bị bắt liên quan đến một báo cáo năm 2013 rằng Huawei có quan hệ gần gũi với một công ty trụ sở ở Hong Kong cố tình bán thiết bị của Mỹ cho Iran, bất chấp lệnh cấm của Mỹ và EU.
Dù liên quan đến chính trị như thế nào thì một điều rõ ràng là bà Mạnh sẽ ở lại Vancouver trong một thời gian dài. Có thể mất đến 12 năm mới hoàn tất được tất cả các thủ tục pháp luật liên quan đến việc dẫn độ sang Mỹ.
Hiện nay, phó chủ tịch Huawei có vẻ đang sống khá thoải mái trong ngôi nhà trị giá nhiều tỷ đô la ở Vancouver mà gia đình bà sở hữu, sau khi trải qua 10 ngày trong nhà giam dành cho phụ nữ.