Ban đầu, nhóm luật sư của bà Mạnh Vãn Châu đề xuất sẽ nộp khoản tiền bảo lãnh hơn 15 triệu đô la Canada (tương đương khoảng 11 triệu USD), gồm hai căn nhà tại Vancouver trị giá khoảng 14 triệu đô la Canada cùng 1 triệu đô la Canada tiền mặt. Tuy nhiên, các thẩm phán không chấp nhận vì lo sợ bà Mạnh sẽ bỏ trốn nếu được tại ngoại.
Để bảo đảm bà Mạnh Vãn Châu không bỏ trốn nếu được bảo lãnh tại ngoại, đội ngũ luật sư của bà đã đề xuất chi trả toàn bộ tiền thuê lính gác 24/24 và các thiết bị an ninh theo dõi bà Mạnh. Nhóm an ninh này có quyền bắt giữ bà Mạnh nếu bà cố tình chạy trốn. Nhóm luật sư của bà đã cam kết với thẩm phán tại phiên điều trần ngày 10/12.
Phiên điều trần đã phải kéo dài sang ngày 11/12 để các công tố viên xác định ai là người bảo lãnh đáng tin cậy. Luật sư của bà Mạnh cũng gợi ý chồng của bà Mạnh sẽ là người bảo lãnh.
Cuối cùng, bên cạnh lý do bị huyết áp cao, nhóm luật sư của bà Mạnh đã thuyết phục trước tòa rằng, bà Mạnh Vãn Châu sẽ không thể bỏ trốn vì đó còn là danh dự và thể diện của đất nước Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ đang tìm mọi cách để dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Mỹ xét xử các cáo buộc về lừa đảo có liên quan tới việc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Nếu bị xét xử tại Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu có thể đối mặt với mức án tối đa là 30 năm tù giam.
Trong đề nghị dẫn độ đề ngày 3/12, chính quyền Mỹ đã cảnh báo rằng, nếu bà Mạnh Vãn Châu được thả tự do, bà ta sẽ có thể bỏ trốn về Trung Quốc, nơi Mỹ không thể thực hiện lệnh dẫn độ.
Đề nghị cũng nêu rõ, với khối tài sản khổng lồ của cha bà để lại (khoảng 3,2 tỷ USD), bà Mạnh có thể bỏ trốn để tránh bị Mỹ truy tố.
Theo tài liệu của chính phủ Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu cũng có khả năng bỏ trốn bằng đường hàng không vì bà sở hữu rất nhiều hộ chiếu và visa. Trong vòng 11 năm qua, bà Mạnh Vãn Châu sở hữu không dưới 7 hộ chiếu, trong đó có 4 hộ chiếu Trung Quốc đại lục và 3 hộ chiếu của đặc khu hành chính Hồng Kông.