Tài liệu dự kiến công bố ngày 16/3 là đánh giá sâu rộng nhất về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Anh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cách đây 3 thập kỷ. Tài liệu cho thấy Thủ tướng Boris Jonson muốn đi đầu trong một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, dựa trên hợp tác và tự do thương mại.
Xác định Ấn Độ - Thái Bình Dương đang trở thành “trung tâm địa chính trị của thế giới”, chính phủ Anh nhấn mạnh chuyến đi của nhóm tàu sân bay Anh đến khu vực trong năm nay và thông báo về chuyến thăm Ấn Độ sẽ diễn ra trong tháng 4.
Từ khi hoàn tất việc rời khỏi EU vào cuối năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Johnson tuyên bố rằng tài liệu mang tên “Đánh giá tích hợp” sẽ cho thấy Anh vẫn có ảnh hưởng trên vũ đài thế giới và mở ra một kỷ nguyên mới đất nước.
Anh sẽ đóng hai vai trò nổi bật trong năm nay: tổ chức thượng đỉnh G7 đầu tiên từ sau đại dịch vào tháng 6 và hội nghị biến đổi khí hậu COP 26 vào tháng 11.
Tài liệu mới dài 100 trang chắc chắn sẽ được xem xét kỹ để tìm xem có những biện pháp cụ thể nào được triển khai để biến những tuyên bố của ông Johnson thành hành động, vào giai đoạn Anh đang chật vật với những điều khoản của thoả thuận Brexit và đại dịch COVID-19.
Quan hệ của Anh với Trung Quốc đang ở mức xấu vì hàng loạt vấn đề, trong đó có chuyện Bắc Kinh mạnh tay siết quản lý Hong Kong, Anh chỉ trích chính quyền Trung Quốc hỗ trợ công nghiệp và những lo ngại an ninh xung quanh các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Anh.
Nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth dự kiến sẽ đến Biển Đông trong năm nay, nơi Trung Quốc đang biến nhiều đảo nhân tạo thành tiền đồn quân sự và gây lo ngại cho các nước trong và ngoài khu vực.
Tài liệu sắp được công bố cũng khẳng định “tầm quan trọng của quan hệ với Mỹ”, bên cạnh nhưng vấn đề dân chủ nhân quyền và khủng bố.