Ông Saakashvili cho rằng, “Con đường Tơ lụa” mới cần đi qua cảng Ilyichevsk của Ukraine. Tỉnh trưởng Odessa nói: “Trên thực tế, việc vận chuyển qua Nga mất 30 ngày trong khi đi qua Ilyichevsk mất tối đa 9 ngày. Mọi thứ đã được xây dựng ở đó”.
Để thực hiện dự án cần phải xây một cây cầu bắc qua vũng cửa sông Dniestrovsky. Ông Saakashvili cho rằng, nhờ cây cầu này mà “không ai có thể bứt vùng Bessarabia” khỏi Ukraine. Vành đai kinh tế “Con đường Tơ lụa" là dự án cơ sở hạ tầng có nhiệm vụ cung cấp hành lang giao thông giữa Trung Quốc và châu Âu. Một trong các nhánh của “Con đường tơ lụa” đi qua Nga.
Ngày 9/8, chính quyền thành phố Nagasaki đã tổ chức lễ tưởng niệm 70 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này làm hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Các hoạt động tưởng niệm diễn ra tại Công viên Hòa bình, với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy và hàng nghìn người dân. Các nhà thờ trong thành phố đã đồng loạt rung chuông để những người còn sống sót, người thân của các nạn nhân và những người khác cùng nhớ lại thảm họa đau thương này.
Bộ trưởng Chính sách xã hội Ukraine Pavel Rozenko cho biết, tổng số tiền chậm trả lương của nước này cho đến nay đã gần đạt mốc 2 tỷ hryvnia (khoảng gần 95 triệu USD).
Ông Rozenko thông báo: “Cho đến nay, nợ lương trên toàn Ukraine đã lên tới mức gần 2 tỷ hryvnia. Đây là một quá trình tiêu cực vi phạm quyền xã hội cơ bản của người làm công Ukraine khi họ làm việc mà không nhận được lương”.
Trong một nỗ lực xoa dịu làn sóng biểu tình gần đây, ngày 9/8, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã công bố kế hoạch cải cách sâu rộng 7 điểm, trong đó đáng chú ý là đề xuất bãi bỏ 3 chức vụ phó tổng thống và 3 chức vụ phó thủ tướng.
Nội các Iraq ngay sau đó đã thông qua kế hoạch cải cách này. Thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Abadi cho biết kế hoạch 7 điểm này bao gồm cắt giảm số bộ ngành và cơ quan nhằm tăng hiệu quả hoạt động của chính phủ và giảm chi tiêu công.
Các nạn nhân thảm nạn máy bay của hãng Germanwings sẽ kiện lên tòa án Mỹ việc viên cơ phó người Đức Andreas Lubitz vẫn được cho điều khiển máy bay mặc dù có vấn đề về thần kinh.
Luật sư Elmar Giemulla đại diện cho thân nhân 39 nạn nhân trên chuyến bay xấu số 4U 9525 cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho vụ kiện ở Mỹ và thấy rằng có cơ hội lớn khi vụ việc được xét xử tại một tòa án ở Mỹ”.
Ngày 9/8, truyền thông Mỹ đưa tin cảnh sát đã phát hiện thi thể của 5 trẻ em và 3 người lớn trong một ngôi nhà tại bang Texas sau khi một người đàn ông trong nhà đầu hàng cảnh sát.
Người phát ngôn Thomas Gilliland của kênh tin tức KHOU cho biết, 8 thi thể được phát hiện trong ngôi nhà ở khu vực Houston sau khi cảnh sát quận Harris được gọi đến địa điểm này vào khoảng 21h ngày 8/8. Theo KHOU, một người đàn ông 49 tuổi ở trong nhà bắt đầu xả súng sau khi cảnh sát xông vào nhà. Sau đó, cảnh sát rút lui và bắt đầu đàm phán, khiến đối tượng này quy hàng.
Bão Soudelor, trận bão thứ 13 trong năm nay đổ bộ vào Trung Quốc, đã làm 14 người chết và 4 người khác mất tích tại tỉnh Chiết Giang.
Tính đến chiều ngày 9/8, trận bão đã ảnh hưởng tới hơn 1,5 triệu người dân và buộc hơn 188.000 người tại Chiết Giang phải đi sơ tán. Nước lũ đã nhấn chìm 223 ngôi nhà, phá hủy 272 tuyến đường và 43.600 ha vụ mùa, ước tính thiệt hại kinh tế là 4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 644 triệu USD).
Ngày 9/8, NATO cho biết Mỹ đang triển khai 6 máy bay chiến đấu F-16 tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ chiến dịch chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuyên bố của NATO nêu rõ: "6 chiếc F-16 Fighting Falcon của Không quân Mỹ được triển khai tới Căn cứ Không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ cuộc chiến chống ISIL (IS)". Trong khi đó, hãng thông tấn tư nhân Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin 6 chiếc tiêm kích F-16 đã có mặt tại căn cứ Incirlik, tỉnh miền Nam Adada.
Quân đội Mỹ và Indonesia ngày 9/8 cho phép báo chí tới quan sát một cuộc tập trận chung, với tình huống đối phó với hoạt động trên biển ngày càng tăng của đối phương.
Cuộc tập trận chung diễn ra thường niên và năm nay diễn ra tại tỉnh Đông Java, của Indonesia. Khoảng 600 lính thủy quân lục chiến trên tàu hải quân đã dùng xe lội nước để đổ bộ lên bờ biển, trước khi tiến quân từ từ để giành lại một phần hòn đảo đang bị đối phương kiểm soát.
Quân đội Đức sẽ đầu tư khoảng 6,5 tỷ USD để tiến hành nâng cấp định kỳ máy bay chiến đấu, trực thăng và các trang thiết bị quân sự khác trong vòng 7-8 năm tới.
Tuần báo Der Spiegel (Đức), nơi công bố kế hoạch trên lần đầu tiên, ngày 9/8 cũng trích dẫn “hàng loạt” tài liệu quốc phòng khẳng định quân đội Đức đã lên kế hoạch chuẩn bị nhân lực và cả phụ tùng thay thế, đồng thời cho biết “khí tài quân sự dính trục trặc kỹ thuật đang ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực của lực lượng này”.