THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc thách chính khách Nhật uống nước thải từ Fukushima

0:00 / 0:00
0:00
Ông Triệu Lâp Kiên. Ảnh: Chinesse Embassy
Ông Triệu Lâp Kiên. Ảnh: Chinesse Embassy
TPO - Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi các chính trị gia ở Tokyo dùng nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima để uống, nấu ăn, giặt quần áo hoặc tưới cây để chứng tỏ nó đủ an toàn để đổ ra biển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định việc Bắc Kinh phản đối việc Nhật quyết định đổ hơn một triệu tấn nước thải hạt nhân “đã xử lý” xuống biển. Ông Triệu Lập Kiên nói, các chính trị gia Nhật là tâm điểm của việc che đậy thông tin và yêu cầu họ chứng minh rằng nước thải trên là an toàn.“Hãy yêu cầu họ dùng nước thải hạt nhân để uống, nấu ăn, giặt quần áo hoặc tưới cây, và đề nghị họ đảm bảo rằng hải sản sẽ không bị ô nhiễm”, ông Triệu Lập Kiên nói. Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng viện dẫn thông tin của một viện khoa học về biển của Đức nói, bờ biển Fukushima có một trong những dòng hải lưu mạnh nhất thế giới. “Trong vòng 57 ngày kể từ khi xả thải, các chất phóng xạ sẽ lan ra hầu hết Thái Bình Dương và lan ra các vùng biển toàn cầu trong 10 năm”, ông Triệu Lập Kiên tuyên bố. (XEM CHI TIẾT...)

Ngày 15/4, Trung Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại nước này để phản đối việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhận từ Nhà máy Fukushima ra biển. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao nước này Ngô Giang Hạo đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hideo Tarumi để “giao thiệp nghiêm khắc” về việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ Nhà máy Fukushima ra biển.

Thủ tướng Armenia cho biết sẽ từ chức trong mười ngày cuối cùng của tháng 4 để giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm. Nói với quốc hội hôm thứ Tư, ông Pashinyan cho biết: "Tôi sẽ đệ đơn từ chức trong mười ngày cuối cùng của tháng Tư vì nó đã được thống nhất giữa lực lượng quốc hội và tổng thống".Trước đó, hôm 18/3 vừa qua, Thủ tướng Nikol Pashinyan cũng thông báo, Armenia sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 20/6 tới và quyết định này được đưa ra sau các cuộc đàm phán với phe đối lập và Tổng thống. Ông Pashinyan khẳng định, bầu cử sớm là cách tốt nhất để đưa Armenia thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Campuchia thêm một ngày ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 mới ở mức ba con số trong ngày 15/4. Tại nước láng giềng Thái Lan, số ca nhiễm trong ngày vẫn vượt trên 1.000 và hôm sau tăng thêm so với hôm trước. Bộ Y tế Campuchia báo cáo chiều qua rằng, trong số 344 trường hợp mắc mới, 5 trường hợp là nhập cảnh và số còn lại có liên quan đến sự kiện cộng đồng ngày 20/2. Đã có 36 người thiệt mạng vì COVID-19 tại nước này cho đến nay. (XEM CHI TIẾT...)

Hai tàu tấn công nhanh lớp Hamina của Hải quân Phần Lan sẽ tham gia cuộc tập trận tác chiến chống tàu ngầm thường niên do Hải quân Thụy Điển tổ chức từ ngày 15-20/4 ngoài khơi bờ biển phía đông của Thụy Điển. Cuộc tập trận sẽ tăng cường hợp tác giữa Phần Lan và Thụy Điển trong tác chiến chống tàu ngầm. Đây là một cuộc tập trận đa năng cho phép huấn luyện các thủy thủ đoàn tiến hành các hoạt động tìm kiếm tàu ​​ngầm và chống tàu ngầm một cách hiệu quả. (XEM CHI TIẾT...)

Một máy bay chiến đấu F-15C của Không quân Mỹ đã lập kỷ lục bắn hạ một mục tiêu từ khoảng cách xa nhất trong lịch sử. Chiếc F-15C này đã phóng tên lửa không đối không tầm trung vào mục tiêu giả định BQ-167, và đã hạ được nó "ở khoảng cách xa nhất từng được ghi nhận". Dù không tiết lộ khoảng cách chính xác là bao nhiêu, song thông báo cho biết loại tên lửa được sử dụng trong cuộc thử nghiệm này là AIM-120D, phiên bản hiện đại nhất với tầm bắn xa nhất của dòng tên lửa AMRAAM, với khoảng cách ước tính từ 120 cho đến 160km.

Trong những ngày gần đây, Bắc Ireland đã bị cuốn vào các cuộc bạo động tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tính đến ngày 15/4, tình trạng bạo loạn tại Bắc Ireland đã kéo sang đêm thứ bảy liên tiếp khi hai phe phái đối địch tiếp tục đụng độ với lực lượng cảnh sát chống bạo động tại thành phố Belfast. Các phe phái gồm những người theo đạo Thiên chúa ủng hộ thống nhất toàn bộ Ireland và những người theo đạo Tin lành mong muốn duy trì Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Liên hiệp Anh.

Hôm 15/4, lực lượng an ninh Myanmar bắt giữ một trong những thủ lĩnh chính của chiến dịch phản đối đảo chính quân sự ở nước này - Wai Moe Naing. Wai Moe Naing, 25 tuổi, người theo đạo Hồi giáo, một trong những thủ lĩnh cấp cao của phong trào biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Myanmar. Đại sứ quán Thụy Điển cho biết họ đang theo dõi trường hợp của Wai Moe Naing, kêu gọi chính quyền quân sự đảm bảo điều kiện chăm sóc y tế cho những người bị giam giữ.

MỚI - NÓNG