Một tuần hơn 1.000 ca COVID-19 mới, Campuchia chạy đua với thời gian để ngăn thảm kịch

0:00 / 0:00
0:00
Campuchia đã hoàn thành một triệu mũi vắc xin COVID-19 tính đến cuối tuần trước. Ảnh: EPA
Campuchia đã hoàn thành một triệu mũi vắc xin COVID-19 tính đến cuối tuần trước. Ảnh: EPA
TPO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Campuchia đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện ở nước này hơn một năm trước.

Số ca bệnh tăng chóng mặt

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Campuchia đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19. Tính đến thứ Năm, nước này có hơn 5.200 ca mắc COVID-19 với 36 ca tử vong.

Trong khi đó, suốt năm đầu tiên đối phó với đại dịch, Campuchia chỉ ghi nhận hơn 500 ca bệnh, và không có ca nào tử vong.

Bắt đầu từ 0h thứ Năm, 15/4, chính phủ đã yêu cầu người dân thủ đô Phnom Penh và một huyện lân cận hạn chế ra đường, trừ khi đi mua nhu yếu phẩm hoặc khám chữa bệnh.

Lệnh giãn cách xã hội được ban hành đúng dịp Tết của người Khmer, thời điểm mà nhẽ ra hàng nghìn người Campuchia sẽ về quê nghỉ lễ.

“Dù đã cố gắng hết sức, nhưng chúng tôi vẫn đang phải vật lộn để kiểm soát virus”, Li Ailan – Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Campuchia nói.

“Trừ khi chúng ta có thể ngăn chặn sự bùng phát, không thì hệ thống y tế của Campuchia có nguy cơ cao bị quá tải, dẫn đến hậu quả thảm khốc.”

Một tuần hơn 1.000 ca COVID-19 mới, Campuchia chạy đua với thời gian để ngăn thảm kịch ảnh 1

Lệnh hạn chế đi lại đã được áp dụng ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: EPA

Nguyên nhân

Campuchia trước đây chỉ ghi nhận các ổ dịch COVID-19 nhỏ, và được kiểm soát nhanh chóng. Nhưng bà Li cho biết sự xuất hiện của virus biến thể B.1.1.7 đã khiến tình hình xấu đi nhanh chóng.

“Biến thể B.1.1.7 lây lan nhanh hơn. Nhiều quốc gia dù có hệ thống y tế mạnh nhưng vẫn lao đao vì biến thể này. Chúng ta cần đảm bảo điều tương tự không xảy ra với Campuchia.”

Tất cả các ca bệnh mới đều có liên quan đến “ổ dịch ngày 20/2”. Trong đó, bốn công dân Trung Quốc dương tính với SARS-CoV-2 được cho là đã hối lộ các nhân viên an ninh để rời khỏi khu cách ly trước khi kết thúc kỳ lưu trú 14 ngày.

Các báo cáo cho biết nhóm này đến từ Dubai, một trong hơn 90 quốc gia nơi biến thể B.1.1.7 đang hoành hành.

Một tuần hơn 1.000 ca COVID-19 mới, Campuchia chạy đua với thời gian để ngăn thảm kịch ảnh 2

Một bộ phận người dân Campuchia chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy địch giữ khoảng cách. Ảnh: EPA

Sự lơ là, thiếu tự giác của nhiều người dân cũng được cho là một trong những lí do chính khiến tình hình COVID-19 ở Campuchia trở nên khó kiểm soát.

Hàng chục người mắc COVID-19 đã cung cấp thông tin sai lệch về địa chỉ, khiến cơ quan chức năng không thể xác định vị trí những người này. Chính quyền Campuchia đôi khi còn phải ra thông báo truy tìm bệnh nhân COVID-19 bỏ trốn.

Nguy hiểm hơn, dịch bệnh đã lây lan vào các nhà máy may, nơi cung cấp việc làm cho hàng triệu công dân Campuchia, và là một phần quan trọng của nền kinh tế.

Ít nhất 50 ca bệnh đã được phát hiện tại nhà máy Din Han ở Phnom Penh, thủ đô của Campuchia.

May Sopheaktra, Tổng thư ký của Chủ tịch Liên minh Công đoàn Campuchia (CATU), cho biết bản thân người lao động cũng ngày càng lo ngại về rủi ro lây lan COVID-19 ở nơi làm việc.

Các nhà máy không giám sát chặt chẽ việc giữ khoảng cách của công nhân. Nhiệt kế điện tử được một số nhà máy sử dụng dường như bị lỗi.

Các nhà máy sử dụng hàng nghìn nhân viên, phần lớn là phụ nữ đến từ các vùng nông thôn nghèo. Nhiều người thường xuyên di chuyển trên những chiếc xe chật cứng.

“Khi ngồi trên xe tải, họ không giữ khoảng cách. 30 đến 40 người ngồi trên một chiếc xe tải cùng một lúc.”

Các điểm nóng khác bao gồm một số chợ địa phương, cũng là nơi tập trung đông đúc các thương nhân và khách hàng từ khắp cả nước.

Hạn chế đi lại, tiêm vắc xin

Cơ quan y tế Campuchia đang gấp rút cấp phát vắc xin ngừa COVID-19. Phần lớn kho dự trữ vắc xin của Campuchia đến từ Trung Quốc, quốc gia đã tài trợ một triệu liều vắc xin Sinopharm. Campuchia cũng đã mua vắc xin Sinovac.

Tính đến cuối tuần trước, Campuchia thông báo đã hoàn thành một triệu mũi vắc xin.

Một tuần hơn 1.000 ca COVID-19 mới, Campuchia chạy đua với thời gian để ngăn thảm kịch ảnh 3

Thủ tướng Hun Sen tiêm vắc xin AstraZeneca ngày 4/3. Ảnh: EPA

Trong một nỗ lực để kiềm chế sự bùng phát, chính phủ Campuchia đã đưa ra một loạt các lệnh hạn chế và hình phạt cứng rắn đối với những người vi phạm quy định phòng dịch.

Thủ tướng Hun Sen cho biết chính phủ quyết định áp dụng lệnh giãn cách xã hội ở Phnom Penh nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa từ sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19.

Phnom Penh là một trong những khu vực ghi nhận nhiều ca bệnh nhất ở Campuchia trong những ngày gần đây.

“Chúng ta đang ở bên bờ vực của một thảm kịch khủng khiếp. Hôm nay, chúng ta có hơn 300 ca bệnh mới, và chúng ta không còn nhiều chỗ để điều trị cho họ”, ông Hun Sen nói trong bài phát biểu tối 14/4.

“Chúng ta hạn chế tất cả các hoạt động không thiết yếu, nhưng việc này sẽ không gây đình trệ tăng trưởng kinh tế xã hội. Lệnh hạn chế của chúng ta hoàn toàn khác với các quốc gia áp lệnh phong tỏa. Tôi kêu gọi tất cả đồng bào: xin đừng hoảng loạn như những gì chúng ta đã chứng kiến tối 14/4.”

Đề cập đến việc bản ghi âm về lệnh giãn cách của ông Hun Sen bị rò rỉ vài giờ trước khi chính phủ ra thông báo chính thức khiến người dân đổ xô đi tích trữ nhu yếu phẩm, Thủ tướng Campuchia cho biết: “Các bạn sẽ không thiếu gạo, muối và thực phẩm ở Phnom Penh.”

Ông Hun Sen cũng cam kết sẽ buộc các quan chức chính phủ làm rò rỉ đoạn băng ghi âm phải chịu trách nhiệm.

“Và những người bán gạo, xin đừng tăng giá và hành động như những kẻ cơ hội.

"Tôi muốn kêu gọi đồng bào của chúng ta hãy khoan dung. Chúng ta nên chịu đựng trong thời gian ngắn vì điều tốt đẹp hơn. Nếu không đoàn kết, chúng ta sẽ phải đối mặt với một thảm họa thực sự.”

Theo Al Jazeera, Phnom Penh Post
MỚI - NÓNG