THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Philippines Duterte thách thức tình báo Mỹ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP
TPO - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 7/10 đã thách thức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cố gắng lật đổ ông.

Trong 2 bài phát biểu đánh dấu 100 ngày nắm quyền điều hành đất nước, ông Duterte liên tục nói tới khả năng về những thành phần đối lập trong và ngoài nước đang muốn tước bỏ quyền lực của ông nhằm chấm dứt cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte nhấn mạnh rằng ông sẽ không bị hăm dọa và chiến dịch này sẽ vẫn được triển khai. Phát biểu ở thành phố Davao, miền Nam Philippines, ông Duterte nói: "Bạn muốn lật đổ tôi? Muốn dùng CIA? Cứ việc làm đi". Hồi tháng trước, ông Duterte đã cáo buộc CIA lên kế hoạch sát hại ông song không nói thêm bất kỳ chi tiết nào.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7/10 đã cáo buộc Nga và Chính phủ Syria cố tình ném bom các bệnh viện nhằm "khủng bố" người dân và yêu cầu một cuộc điều tra tội ác chiến tranh. Ông Kerry nói: "Đây là những hành động cần đến một cuộc điều tra phù hợp, các tội ác chiến tranh. Những người vi phạm những tội ác này sẽ và nên chịu trách nhiệm về những hành động của họ". Trong khi đó Nga cho rằng lời kêu gọi của ông Kerry là một nỗ lực nhằm làm sao lãng sự thất bại của lệnh ngừng bắn do Nga và Mỹ bảo trợ.


Ngày 7/10, Quốc hội Nga đã thông qua thỏa thuận của Moscow với Syria về việc triển khai "vô thời hạn" lực lượng Nga ở quốc gia Trung Đông này, trong một động thái dường như là khẳng định sự hiện diện lâu dài tại đây.

THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Philippines Duterte thách thức tình báo Mỹ ảnh 1

Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Đa số các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trên, được ký giữa Moscow và Damascus hồi tháng 8/2015 - cho phép Nga thiết lập căn cứ không quân Hmeimim nhằm tiến hành chiến dịch hỗ trợ các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.


Bộ Quốc phòng Estonia cho biết một máy bay tiêm kích của Nga đã đi vào không phận nước này trong chưa đầy 1 phút. Estonia cho rằng một máy bay tiêm kích của Nga đã xâm phạm không phận nước này ngày 7/10, vài giờ sau khi quốc gia láng giềng Phần Lan cho hay 2 máy bay tương tự bay qua không phận Helsinki trong bối cảnh nước này chuẩn bị ký một hiệp ước quốc phòng với Mỹ.


Chủ nghĩa đơn phương, chính trị cường quyền, áp đặt, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đang cản trở các nỗ lực giải quyết hòa bình tranh chấp và xung đột. Việc coi nhẹ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế là một trong những nguyên nhân và Liên Hợp Quốc (LHQ) cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm thúc đẩy xây dựng một trật tự dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu như vậy tại phiên thảo luận của Ủy ban Pháp lý thuộc Đại hội đồng LHQ khóa 71 về vấn đề pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế. (XEM CHI TIẾT)


Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) cần phải "không nhượng bộ" trước các đòi hỏi của Anh liên quan tới những điều khoản về việc nước này rời khỏi EU (còn gọi là Brexit). Ông Juncker nhấn mạnh Anh "không thể chân trong chân ngoài", đồng thời cảnh báo rằng London có thể "giẫm đạp lên mọi thứ đã được xây dựng" trong hơn 6 thập niên hội nhập châu Âu. Ông Juncker đưa ra tuyên bố trên sau khi Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng bà muốn một thỏa thuận về Brexit đem lại cho nước Anh "sự tự do tối đa" hoạt động trong thị trường chung châu Âu đồng thời duy trì kiểm soát vấn đề người nhập cư.


Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh ngày 7/10 tuyên bố đến tháng 12/2018 nước này sẽ bịt kín toàn bộ đường biên giới với Pakistan bằng cách sử dụng tất cả các biện pháp hiệu quả, trong đó có cả các giải pháp công nghệ. Ông Singh cũng nêu vấn đề thành lập một mạng lưới an ninh biên giới và khuyến khích tất cả các thành phần liên quan, bao gồm các bang có chung biên giới với Pakistan đưa ra kiến nghị về vấn đề này.


Ít nhất 22 binh sĩ Niger đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nhiều khả năng do các phần tử thánh chiến tiến hành nhằm vào trại tị nạn ở khu vực Tassara, Tây Bắc nước này. Khoảng 30-40 tay súng được trang bị vũ khí hạng nặng đã tấn công các binh sĩ canh gác trại tị nạn dành cho người Mali ở Niger. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cũng xác nhận số thương vong trên. Một nguồn tin nghi ngờ thủ phạm của vụ tấn công là các phần tử thánh chiến ở miền Bắc Mali.


Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2016 cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nhờ những nỗ lực của ông này trong việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm tại nước này, cướp đi mạng sống của 220.000 người và buộc 6 triệu người phải di cư. (XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG