THẾ GIỚI 24H: Sứ mệnh hòa bình của ông Donald Trump

Tổng thống Mỹ Trump tại Canada. (Nguồn: cbc.ca)
Tổng thống Mỹ Trump tại Canada. (Nguồn: cbc.ca)
TPO - Sáng 9/6 (theo giờ Canada), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc sớm các hoạt động tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) ở Quebec (Canada) để bay sang Singapore dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Tổng thống Trump đã không tham dự toàn bộ các phiên thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và bình đẳng giới, cũng như phiên thảo luận về tình hình đại dương. Việc rời đi sớm này cũng có nghĩa Tổng thống Trump sẽ không có mặt lúc các đồng minh bế mạc hội nghị thượng đỉnh. Phát biểu với báo giới trước khi lên đường tới Đảo quốc Sư tử, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ đảm trách một "sứ mệnh hòa bình," đồng thời coi hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ này là một "cơ hội duy nhất" cho ông Kim Jong-un. Theo một nguồn tin ngoại giao Singapore, dự kiến, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cùng tới Singapore vào ngày 10/6. Sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Đảo quốc Sư tử vào 9 giờ (8 giờ Hà Nội) ngày 12/6. Trọng tâm chính của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều này được cho là vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.


Rạng sáng 10/6 theo giờ Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Canada đã bế mạc và ra tuyên bố chung. Trong đó đề cập hàng loạt vấn đề cấp bách của thế giới như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu và quan hệ giữa phương Tây với Nga. Tuyên bố chung dài 8 trang của G7 khẳng định vai trò cốt yếu của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy định, nêu rõ sự cần thiết của một nền thương mại toàn cầu "tự do, công bằng và cùng có lợi", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ.


Một số quan chức Mỹ tiết lộ tin tặc liên quan đến chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập máy tính của một nhà thầu hải quân để lấy cắp lượng lớn dữ liệu nhạy cảm về tác chiến dưới nước. Theo nguồn tin không nêu tên, vụ việc xảy ra trong tháng 1 và 2.2018, nhưng không cung cấp chi tiết vì cuộc điều tra đang được hải quân tiến hành với sự hỗ trợ của Cục Điều tra liên bang (FBI). FBI chưa có phản hồi về thông tin trên còn hải quân Mỹ trả lời với Reuters rằng hiện nay "không phải là lúc thích hợp" để cung cấp thêm chi tiết. Trong khi đó, một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố không biết gì về vụ tấn công mạng. 


Một nghi phạm giết người đang đối mặt với việc bị dẫn độ về Malaysia sau khi bỏ trốn sang Sydney, Australia hơn 3 năm trước. Đáng chú ý, người từng là vệ sỹ của cựu Thủ tướng Najib Razak này được cho là có thể nắm giữ chìa khóa về những hoạt động phạm pháp có liên quan đến Chính phủ của ông Najib. Việc dẫn độ nghi phạm giết người Sirul được cho là chủ đề của các cuộc thảo luận cấp cao giữa Chính phủ Australia và Malaysia sắp tới. Vào cuối tháng 5, Tổng thống Mông Cổ cũng đã đề nghị Chính phủ Malaysia mới nối lại cuộc điều tra vụ việc. Gần đây, Sirul đã nói với báo điện tử Malaysiakini rằng ông ta sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ mới để tiết lộ mọi chuyện đã xảy ra, miễn là được tha tội.


Ngoại trưởng Ba Lan nhấn mạnh tới tính cấp thiết phải sửa đổi Đạo luật Holocaust bởi nó đang gây ra sự lo ngại và mất niềm tin đối với một số đối tác. Ngày 9/6, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz cho biết, Hạ viện Ba Lan có thể sẽ sửa đổi một Đạo luật hình sự hóa các hành vi cáo buộc Ba Lan đồng lõa trong vụ thảm sát Holocaust trong Chiến tranh Thế giới thứ hai (hay còn gọi là Đạo luật Holocaust), nhằm thuận lợi hóa các cuộc đàm phán quốc tế của Ba Lan với các đối tác, đặc biệt với Mỹ và Israel.Bộ ngoại giao Mỹ cảnh báo việc thực thi Đạo luật có thể sẽ làm tổn hại tới mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Israel với Ba Lan tại NATO. Còn giới lãnh đạo Israel, trong đó có Tổng thống, Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao, chỉ trích động thái của Ba Lan, cho rằng Đạo luật trên không phản ánh đúng sự thật lịch sử và đề nghị Ba Lan cần xem xét, sửa đổi lại Đạo luật.


Một nhóm tình nguyện viên người Cossack phụ trách an ninh sự kiện đã đưa ra những lời cảnh báo không mấy hay ho tới fan LGBT. Theo đó, họ sẽ báo cảnh sát nếu bắt gặp những hành động thân mật công khai của fan LGBT. Vì vậy, những cặp đôi đồng tính nếu muốn ôm hay hôn ăn mừng sẽ phải cẩn thận nếu không muốn bị cảnh sát “sờ gáy”. Nga đã từng vấp phải phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế trong Thế vận hội Sochi 2014. Từ lâu, vấn đề đồng tính luôn là chủ đề hàng đầu của Nga. Quốc gia Đông Âu này luôn có thái độ gay gắt đối với những người thuộc cộng đồng LGBT. Chưa đầy một tuần nữa (14/6), sự kiện thể thao nóng nhất hành tinh World Cup 2018 sẽ diễn ra tại Nga.


Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi xem xét lại hiệp định thương mại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trước đây gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi cho rằng các nền kinh tế nhỏ hơn như Malaysia gặp bất lợi theo các điều khoản hiện hành. Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Nikkei của Nhật Bản được công bố hôm 9-6-2018, ông Mahathir nói hiệp định thương mại - bao gồm Nhật Bản và Canada - nên xem xét mức độ phát triển của các quốc gia khác nhau. "Các nền kinh tế nhỏ, yếu hơn phải có cơ hội bảo vệ sản phẩm của họ", Mahathir nói tờ tài chính hàng ngày của Nhật Bản. “Chúng tôi phải xem xét lại TPP”.


Chính quyền Mỹ thông báo đang kiểm tra sức khỏe đối với 2 trường hợp mới nghi bị mắc bệnh lạ tại Đại sứ quán ở Cuba. Bộ Ngoại giao Mỹ  thông báo 2 nhân viên làm việc tại Đại sứ quán nước này ở thủ đô Havana của Cuba đang được kiểm tra sức khỏe vì nghi mắc bệnh giống những đồng nghiệp trước đây. Hai nhân viên này được đưa về bệnh viện Đại học Pennsylvania (Mỹ) để chữa trị. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đây có thể là 2 ca bệnh mới, đang được “kiểm tra tổn thương não” nhưng cũng nói thêm rằng chưa có xác nhận từ giới chức y tế, theo Reuters.


Theo THX, ngày 9/6, các tàu chống ngầm Admiral Tributs và Admiral Vinogradov cùng tàu chở dầu Pechenga của Hải quân Nga đã cập bến tại Manila, thực hiện chuyến thăm thiện chí kéo dài sáu ngày. Đại tá Lued Lincuna, người phát ngôn Hải quân Philippines cho biết, tàu hải quân nước này đã hộ tống các tàu của Nga tại vùng lân cận của đảo Corregidor như một thủ tục nghênh đón thông thường. Ông Voskresensky cho biết, trong chuyến thăm kéo dài từ ngày 9-14/6, Chỉ huy biệt đội, Đại tá Oleg Korolev sẽ gặp các sỹ quan của Hải quân Philippines. Ông cũng cho hay, các binh sỹ Philippines cũng được hoan nghênh thăm các tàu này.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG