Giá nhiên liệu tăng có thể tạo ra căng thẳng chính trị cho tổng thống Trump trước cuộc bầu cử tháng 11. Khi được hỏi liệu có ai đó đang thao túng thị trường dầu mỏ hay không, tổng thống Trump nói: “OPEC đang làm điều này. Họ cần phải dừng lại vì chúng tôi đang bảo vệ nhiều quốc gia trong số đó thành viên OPEC. ”Tổng thống cũng dùng những lời lẽ cứng rắn dành cho các đồng minh khác của Mỹ. Ông cho biết các công ty châu Âu sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt nếu họ giao dịch với Iran. Trước đó, Tổng thống Mỹ cho biết, Quốc vương Salman của Arabia Saudi đã chấp thuận yêu cầu của ông về việc tăng sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng/ngày để bù vào nguồn cung cấp bị hạn chế do trừng phạt đối với Venezuela và Iran.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết hôm Chủ nhật (1/7) rằng ông tin việc tháo dỡ phần lớn các chương trình vũ khí của Triều Tiên có thể diễn ra chỉ trong vòng một năm. Tuy nhiên một số chuyên gia khác nói rằng quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn nữa. Trong cuộc trò chuyện trên chương trình “Face the Nation” của CBS, cố vấn an ninh Nhà Trắng cho biết rằng Washington đã lên kế hoạch về chương trình phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. Ông Bolton cho biết việc phá huỷ này có thể diễn ra chỉ trong vòng 1 năm nếu Bình Nhưỡng vui vẻ hợp tác. Các chương trình dỡ bỏ bao gồm tên lửa đạn đạo, vũ khí sinh học và vũ khí hạt nhân.
Những đề xuất mà bà Merkel đưa ra vẫn chưa phải là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng tị nạn mà nước Đức đang phải đối mặt. Bất chấp việc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt được thoả thuận về vấn đề tị nạn trong Hội nghị Thượng đỉnh của khối cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tiếp tục phải đối mặt với sức ép từ phía đảng liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU). Phát biểu trước báo giới Đức trong ngày Chủ nhật (1/7), sau cuộc họp của đảng CSU, ông Seehofer cho rằng, cuộc gặp với bà Merkel trước đó 1 ngày là “vô ích và vô tác dụng” vì những đề xuất mà bà Merkel đưa ra vẫn chưa phải là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng tị nạn mà nước Đức đang phải đối mặt.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã được “bật đèn xanh” trong việc mua lại các hệ thống phòng không S-400 của Nga và đang hoàn tất các thủ tục để được phê duyệt lần cuối, bất chấp một cảnh báo từ Mỹ về những hệ quả có thể xảy ra. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nirmala Sitharaman đã chuyển thỏa thuận trị giá 39.000 crore (khoảng 5,7 tỉ USD) để mua các hệ thống S-400 đến chính phủ, Bộ Tài chính và văn phòng Thủ tướng. “Việc mua S-400 bây giờ sẽ đợi sự cho phép của Bộ Tài chính và Ủy ban Nội các về các vấn đề an ninh của Thủ tướng để phê duyệt lần cuối”, một nguồn tin tại Hội đồng hậu cần quốc phòng (DAC) cho biết.
Nhiều người sử dụng Facebook tại Việt Nam đã phát hiện và phản ứng trước việc mạng xã hội Facebook xác định chủ quyền hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Ngay lập tức lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết đã trao đổi với Facebook và sẽ ký công văn yêu cầu Facebook xử lý, sửa lỗi vào ngày mai 2-7-2018. Trên bản đồ dùng hỗ trợ các nhà quảng cáo, Facebook ghi 2 quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam thuộc chủ quyền Trung Quốc. Thông tin này ngay lập tức gây phản ứng của các nhà hữu trách và cộng đồng mạng tại Việt Nam
Lãnh đạo Ukraine Petro Poroshenko trên trang Facebook cá nhân đã gửi lời chúc mừng tới Hải quân nước nhà nhân ngày hội của lực lượng vũ trang này và hứa sẽ khôi phục vinh quang ngày nào của hải quân Ukraine. Ông Poroshenko cũng hứa sẽ đưa lá cờ Ukraine bay cao trên vùng vịnh của Sevastopol. Đây không phải là tuyên bố đầu tiên Tổng thống Ukraine về việc Crimea sẽ quay trở về với nước này, nhưng những người sử dụng mạng lại một lần nữa chế nhạo và mời ông Poroshenko đến Crimea để hỏi người dân địa phương xem họ nghĩ gì.
Nhật Bản đang có ý định mua một radar tiên tiến của Mỹ để trang bị cho hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis và hi vọng điều này sẽ xoa dịu căng thẳng thương mại giữa hai nước. Ba quan chức Nhật Bản nói với Reuters rằng chính phủ nước này đang xem xét 2 lựa chọn là radar SPY-6 của tập đoàn Raytheon và LRDR của hãng Boeing, dự kiến ngày 2/7 sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Cả ba quan chức này đều từ chối công khai danh tính với lí do chính phủ Nhật Bản không cho phép công bố thông tin. Trước đó, hồi cuối năm ngoái chính phủ Nhật Bản đã thông qua nghị quyết nội các chính thức quyết định mua hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ, dự kiến năm 2023 đưa vào sử dụng. Hệ thống Aegis sẽ được trang bị radar mà chính phủ Nhật hiện đang xem xét.
Theo Tân Hoa xã, ngày 1/7, Chủ tịch Ủy ban Qatar về Tái thiết Gaza, ông Mohammed al-Amadi cho biết Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đang có những cuộc đàm phán gián tiếp nhằm đạt thỏa thuận chấm dứt tình hình khủng hoảng tại Gaza. Theo ông Amadi, hiện vẫn chưa có thỏa thuận nào được đưa ra nhưng công tác đàm phán vẫn đang tiếp diễn, nhằm hướng đến một thỏa thuận toàn diện để cải thiện tình hình tại Gaza. Ông Amadi cho hay Mỹ đã nắm được thông tin về những cuộc đàm phán này.
Iran vừa đề nghị các thành viên trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thực hiện bất kì các hành động đơn phương nào gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết của toàn khối. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có thông tin Arabia Saudi đồng ý nghe theo ý Mỹ tăng sản lượng dầu mỏ. “Bất kì sự tăng cường sản xuất nào vượt qua những cam kết giữa các thành viên OPEC là hành động vi phạm thỏa thuận. Tôi đề nghị các thành viên cùng giữ vững cam kết bằng việc tránh xa những hành động đơn phương có khả năng ảnh hưởng đến sự đoàn kết và độc lập của OPEC”, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh viết trong bức thư gửi đến người đồng cấp UAE Suhail al-Mazrouei, người giữ chức chủ tịch OPEC trong năm 2018.
Ngày 1/7, quân đội Nam Sudan cho biết ít nhất 16 thường dân thiệt mạng và 22 người bị thương, kể cả công dân nước ngoài, trong vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới nhất do lực lượng chống đối ở Nam Sudan gây ra. Phát ngôn viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA) Lul Ruai Koang nói rằng Phong trào nhân dân Giải phóng Sudan (SPLM-IO) do ông Riek Machar lãnh đạo đã tấn công một cơ sở thuộc chính phủ ngày 30/6 và đã vi phạm Thỏa thuận ngừng bắn giữa Tổng thống Salva Kiir và ông Machar chỉ vài giờ sau khi có hiệu lực.