THẾ GIỚI 24H: Ông Trump muốn cùng Nga giải quyết khủng hoảng Syria

Ảnh: Telegraph
Ảnh: Telegraph
TPO - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố ông có những "ý tưởng nghiêm túc" trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria, đồng thời nhấn mạnh mong muốn hợp tác với Nga để thực hiện nhiệm vụ này.

Ông Trump nêu rõ: "Tôi có một số ý tưởng nghiêm túc về Syria. Tôi nghĩ những gì đang xảy ra hiện nay (ở Syria) là khủng khiếp... Hàng ngàn người bỏ mạng... Tôi nghĩ đó là điều thật đáng xấu hổ. Và chúng ta nên làm điều gì đó với Syria. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin". Ông Trump cho rằng giá như Mỹ "dàn xếp thực sự được với Nga" và "cùng nhau chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng."


Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, Nga luôn muốn xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi và bình đẳng với Mỹ, đồng thời mong muốn Washington có những động thái tương tự. “Nhiều lần và vào những dịp khác nhau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, cùng có lợi và bình đẳng với Mỹ. Tổng thống Nga cũng hy vọng Washington đáp lại thiện chí của Moscow”, ông Peskov nói. (XEM CHI TIẾT)


Các nghị sĩ Quốc hội châu Âu tại Strasbourg đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) “phản ứng lại cuộc chiến tranh thông tin” của Nga. Kết quả bỏ phiếu cho thấy bản nghị quyết dựa vào bản kiến nghị có tên “Truyền thông chiến lược EU nhằm chống tuyên truyền của các quốc gia bên thứ ba" có 304 phiếu thuận, 179 phiếu chống và 208 phiếu trắng. Trong đó, kênh RT và hãng thông tấn Sputnik của Nga được liệt vào danh sách “những công cụ tuyên truyền” nguy hiểm nhất của Nga.


Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thông báo ông và người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault đã mời các Ngoại trưởng Nga và Ukraine nhóm họp tại Minsk (Belarus) vào tuần tới nhằm khôi phục tiến trình đàm phán 4 bên về cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Ông Steinmeier bày tỏ hy vọng cuộc họp nhóm "Bộ tứ" Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) sắp tới sẽ được tiến hành vào ngày 29/11, vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức.


Tổng thống mới đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ công bố đề cử Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley, cho vị trí đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc vào ngày 23/11. Nguồn tin cũng khẳng định, bà Nikki Haley, 44 tuổi, đã chấp nhận đề nghị trên. Dự kiến, đề cử của ông Trump sẽ được Thượng viện Mỹ xem xét trước khi phê chuẩn. (XEM CHI TIẾT)


Số liệu cập nhật những lá phiếu cuối cùng tính đến ngày 23/11 của bản thống kê tại hãng điều tra Cook Political Report cho thấy, cựu ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã giành được 63,6 triệu phiếu phổ thông (tương đương 48%), trong khi ông Donald Trump nhận được 61,9 triệu phiếu (46,7%), nâng cách biệt giữa hai người lên đến hơn 1, 7 triệu phiếu. 


Cựu Chủ tịch đảng cầm quyền Saenuri ở Hàn Quốc, ông Kim Moo-sung, một nhân vật có tiếng nói trên chính trường nước này, đã đề nghị tiến hành luận tội Tổng thống Park Geun-hye, đồng thời cho biết ông sẽ dẫn đầu tiến trình kiến nghị luận tội trong nội bộ đảng. Ông Kim Moo-sung tuyên bố Tổng thống Park Geun-hye "đã phản bội nhân dân và đảng Saenuri, và vi phạm nghiêm trọng hiến pháp," vì vậy cần phải bị luận tội.


Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt 3 thành viên cấp cao của IS vào danh sách các đối tượng khủng bố bị theo dõi, trong đó có Abdelilah Himich - một nghi can chủ chốt trong 2 vụ khủng bố tại Paris (Pháp) hồi tháng 11/2015 và Brussels (Bỉ) hồi tháng 3/2016. Abdelilah Himich, biệt danh là Abu Suleiman Al-Farransi, là một cựu lính lê dương của Pháp và đã thăng tiến trong hàng ngũ của IS.


Giới chức an ninh cho biết ngày 23/11, các lực lượng do Iraq đứng đầu đã cắt đứt các tuyến tiếp tế ở phía Tây vào thành phố Mosul hiện do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát, qua đó hoàn tất việc cô lập IS trong thành trì của chúng. Nguồn tin cho hay các lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi (Huy động Nhân dân) đã tiến đến con đường nối Tal Afar với Sinjar, phía Tây Mosul, và hợp nhất với các lực lượng người Kurd ở đó.


Ấn Độ ngày 22/11 đã tiếp tục thử thành công tên lửa Agni-I có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn lên tới 900km. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, vụ thử nghiệm thành tên lửa Agni-I có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được tiến hành lúc 10h10 ngày 22/11 (theo giờ địa phương) tại Trường bắn tên lửa trên đảo Abdul Kalam. (XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG