THẾ GIỚI 24H: Ông Putin bị tình báo Mỹ theo dõi nhiều năm

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
TPO - Thời báo Times dẫn các nguồn tin ngoại giao đăng tải ngày 18/7, cơ quan tình báo Mỹ đã bí mật theo dõi đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều năm, từ trước khi ông này nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên. 

Nguồn tin trên cho biết, tình báo Mỹ đã chú ý tới ông V. Putin khi ông giữ chức Phó thị trưởng thành phố Saint Peterburg.

Tuy nhiên, Times không có đủ nguồn tin để xác thực điều này. Mặc dù luôn theo dấu Tổng thống Nga, nhưng ở thời điểm hiện tại, tình báo Mỹ không rõ tình trạng sức khỏe của ông V. Putin và cho rằng Tổng thống Nga hiện ở “một địa điểm bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt”. Theo Times, Nhà Trắng đã từ lâu thiết lập một danh sách các vấn đề cần lưu tâm, trong đó có các mối quan hệ liên quan tới nước Nga.


Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 17/7 đã ra sắc lệnh yêu cầu thành lập lực lượng vũ trang dự bị mới. Đây là một trong số các biện pháp nhằm tăng cường huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Việc thành lập lực lượng dự bị mới đã được thảo luận trong vài năm qua và được Tổng thống Putin lần đầu tiên ra lệnh không lâu sau khi ông tái đắc cử năm 2012. Lực lượng mới này sẽ khác với các lực lượng dự bị hiện hành của Nga, bởi họ sẽ được trả lương hàng tháng và tham gia huấn luyện định kỳ.


Có 3 dân thường đã bị giết chết trong một trận pháo kích giữa quân ly khai và quân đội Ukraine tại miền Đông hôm thứ Bảy (18/7), Reuters đưa tin.

Quân đội Ukraine thông báo cho biết, trận pháo kích xảy ra hôm thứ Bảy là một trong những cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong hơn một tháng qua.

Một quân dân Ukraine cũng đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương, phát ngôn viên quân đội Ukraine Andriy Lysenko cho biết trong một cuộc họp báo được phát trên truyền hình. Quân ly khai cũng như quân đội Kiev đã cáo buộc lẫn nhau tăng cường các cuộc tấn công và bắn phá vào các khu vực dân cư.


Bộ Nội vụ Saudi Arabia ngày 18/7 thông báo đã triệt phá một tổ chức có quan hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đến nay đã bắt giữ 431 thành viên của mạng lưới này, trong đó chủ yếu là công dân Saudi Arabia. Bộ trên nêu rõ nhà chức trách Saudi Arabia "trong vài tuần qua đã triệt phá một tổ chức gồm nhiều nhóm nhỏ có quan hệ với IS." Ngoài ra, nước này cũng chặn đứng các cuộc tấn công nhằm vào một phái bộ ngoại giao, các nhà thờ Hồi giáo và các nhân viên an ninh.


Lực lượng người Kurd và Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) ngày 18/7 cho biết trong cuộc đụng độ với người Kurd tại Syria hồi tháng trước, các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắn các tên lửa có chứa khí độc.

Liên minh bảo trợ dân tộc người Kurd (YPG) và SOHR cho biết các vụ tấn công bằng khí độc kể trên diễn ra vào hôm 28/6 vừa qua, nhắm vào thị trấn Salhiya, thành phố Hasakeh, Đông Bắc Syria và các vị trí của người Kurd ở phía Nam thị trấn Tel Brak.

Thông cáo của YPG cho biết: “Khi va chạm, các đầu đạn đã phóng ra một loại khí màu vàng có mùi hành thối rất nặng, khu vực xung quanh nơi đạn rơi bị nhiễm một dung dịch, lúc đầu là màu xanh, sau chuyển sang vàng khi tiếp xúc với ánh nắng."

Phía YPG cho hay: “Người của chúng tôi, khi tiếp xúc với khí gas, họng mắt và mũi bị bỏng rát, đi kèm là triệu chứng đau đầu, đau cơ, mất khả năng tập trung và cơ động.”


Báo “The Hindu” ngày 18/7 đưa tin quân đội Pakistan đã hai lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn chỉ trong vòng 24 giờ qua khi nổ súng và nã pháo vào các chốt kiểm soát của Lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ dọc đường Ranh giới kiểm soát (LoC).

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết từ 9h25 tới 23h45 đêm 17/7, quân đội Pakistan đã vô cớ pháo kích các chốt kiểm soát tại khu vực Naushera thuộc quận Rajouri ở khu vực Jammu – Kashmir.

Chiều 18/7, các vụ xả súng từ Pakistan tiếp tục diễn ra tại huyện Poonch. Theo nguồn tin trên, quân đội Ấn Độ đã trả đũa thích đáng các hành động khiêu khích từ phía Pakistan với việc sử dụng đạn pháo và các loại vũ khí tương tự. Hiện các vụ xả súng vẫn tiếp diễn tại khu vực biên giới dọc LoC.


Hãng tin Foxnews vừa đưa tin, sắp xảy ra một trận động đất kinh hoàng trong lịch sử trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, có thể khiến 13.000 người thiệt mạng. Trận siêu động đất này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 70.000 người dân.

Foxnews cảnh báo, trận động đất sắp tới khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương sẽ mạnh gấp 30 lần so với các vụ động đất do đứt gãy San Andreas. Trận động đất sắp xảy ra này thuộc vết đứt gãy Cascadia.

Theo như nghiên cứu của các nhà địa chất, những trận động đất gây ra bởi vết đứt gãy Cascadia xảy ra theo chu kỳ 240 năm. Và trận động đất cuối cùng là cách đây 300 năm, vào khoảng những năm 1700. Trận động đất đó đã tạo những con sóng thần cao tới 600 foot (gần 200m) ở Nhật Bản.


Ít nhất 2 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương do giẫm đạp tại một lễ hội tín ngưỡng tại Ấn Độ ngày 18/7. Vụ giẫm đạp bùng phát khi những người sùng đạo bắt đầu nghi thức kéo cỗ xe ngựa thần thánh của thần Jagannath trên đường phố ở bang Odisha, miền Đông Ấn Độ. Hai phụ nữ chết tại chỗ, còn 5 người bị thương được đưa vào bệnh viện để điều trị. Nguyên nhân vụ giẫm đạp đang được điều tra làm rõ.


Ngày 18/7, nhật báo Kathimerini đưa tin ba tuần đóng cửa của các ngân hàng Hy Lạp đã khiến nền kinh tế èo uột của nước này thiệt hại khoảng 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD), chưa kể tổn thất của ngành du lịch.

Tờ báo dẫn số liệu của các tổ chức thương mại cho hay riêng hoạt động bán lẻ đã mất khoảng 600 triệu euro, mức thiệt hại lớn nhất. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cũng bị tổn thất 240 triệu euro. Trước đó, hôm 29/6, các ngân hàng tại Hy Lạp đã phải đóng cửa sau khi chính phủ nước này bác bỏ các biện pháp khắc khổ mà giới chủ nợ quốc tế đòi hỏi và kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này.

MỚI - NÓNG