THẾ GIỚI 24H: Nga không hy vọng phương Tây xóa lệnh trừng phạt

THẾ GIỚI 24H: Nga không hy vọng phương Tây xóa lệnh trừng phạt
TPO - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea có thể sẽ chẳng bao giờ bị xóa bỏ vì Moscow không từ bỏ quyết định này.

Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang diễn ra ở thành phố Ufa của Nga, ông Ryabkov nêu rõ: "Ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) hủy các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, tôi tin chắc Moscow cũng sẽ làm như vậy. Và tất cả các mặt hàng bị cấm vận sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt dưới lý do liên quan tới Crimea sẽ có thể tồn tại vĩnh viễn, vì quan điểm của chúng tôi về bán đảo là bất di bất dịch."


Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ngày 9/7 đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Ukraine và cho rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại nước này, đồng thời nhấn mạnh con đường duy nhất dẫn đến hòa giải là thông qua đối thoại chính trị toàn diện.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng mặc dù đàm phán hạt nhân diễn ra không hề "lan man," song ông cũng sẽ không "vội vã" nhắm tới một thỏa thuận đồng thời khẳng định các bên "đang tạo ra tiến triển thật sự hướng tới một thỏa thuận toàn diện" nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Theo Ngoại trưởng Mỹ, các bên "không thể ngồi lì ở bàn đàm phán mãi được... Bằng cách nào đó, cần sớm đưa ra các quyết định".


Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, ít nhất 34 phần tử nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị tiêu diệt trong các vụ đụng độ với Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) và không kích của liên quân quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu ở miền Bắc Syria. SOHR cho hay phần lớn các phần tử trên, gồm 26 người Syria và tám người nước ngoài, tham chiến ở thị trấn Ain Issa của thành phố Raqqa – "thủ đô" trên thực tế của IS.


Ngày 9/7, cảnh sát Malaysia bắt giữ hai công dân Kuala Lumpur bị nghi ngờ có mối quan hệ với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và âm mưu tấn công khủng bố ở quê nhà. Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ cảnh sát Malaysia cho biết cả hai nghi can đã tổ chức các cuộc họp ở thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor để lên kế hoạch tấn công nhiều nơi trên đất nước Malaysia.


Nghi can thứ nhất bị bắt ngày 2/7 là người Kuala Lumpur. Thanh niên 28 tuổi này được cho là đã có tiếp xúc với các thành viên của IS ở châu Âu. Nghi can thứ hai 31 tuổi vừa trở về Malaysia sau khi bị thương trong quá trình giao tranh với nhóm phiến quân ở Syria.


Ngày 9/7 hãng tin Saba, do lực lượng phiến quân Houthi điều hành, đưa tin Đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách vấn đề Yemen, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed cho hay trong vòng 24 giờ đồng hồ tới, một thỏa thuận về lệnh ngừng bắn nhân đạo ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này dự kiến sẽ được công bố.


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết từ ngày 1/7, tại khu vực Tây Phi ghi nhận 26 trường hợp tử vong do bệnh gây ra bởi virus Ebola và 59 trường hợp nhiễm mới. Theo số liệu WHO công bố ngày 9/7, từ khi dịch Ebola bùng phát đến nay, trên thế giới đã có 11.261 người tử vong vì căn bệnh này và 27.609 người nhiễm bệnh.


Một chuyến bay của hãng hàng không Ấn Độ Jet Airways hôm nay phải hạ cánh khẩn cấp xuống Oman sau khi bị dọa đánh bom. AFP dẫn lời Manish Kalghatgi, phát ngôn viên cấp cao của Jet Airways, cho hay sự cố xảy ra khi chuyến bay 9W 536 đang đi từ Mumbai đến Dubai, thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. "Có một mối đe dọa đánh bom trên chuyến bay. Đó là một mối đe dọa nghiêm trọng khiến phi công phải hạ cánh xuống sân bay gần nhất", ông Kalghatgi nói. Toàn bộ 54 hành khách và 7 thành viên tổ bay đã được sơ tán ngay khi phi cơ hạ cánh an toàn xuống một khu vực biệt lập thuộc sân bay quốc tế Muscat của Oman. 


Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp không những ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người dân nước này mà còn có tác động không nhỏ đến các nước láng giềng vùng Balkan. Một số nước như Albania, Kosovo, Serbia, Macedonia và Bulgaria có nền kinh tế phụ thuộc vào Hy Lạp, và cũng dễ bị “tổn thương” hơn do thiếu các công cụ tài chính để ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. 


Ngày 9/7, các nỗ lực can thiệp của chính phủ Trung Quốc đã bước đầu có tác dụng khi thị trường chứng khoán nước này phục hồi khoảng 6%. Theo Reuters, chỉ số CSI300 của các công ty niêm yết lớn nhất tại Thượng Hải và Thẩm Quyến tăng 6,4%, trong khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải vọt lên 5,8%. Sự phục hồi này diễn ra sau khi Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ra lệnh cấm cổ đông lớn của các công ty niêm yết được bán cổ phiếu trong vòng sáu tháng.

MỚI - NÓNG