Theo một nguồn tin quân đội, tại thành phố cảng Aden và khu vực lân cận tỉnh Lahj ở miền Nam Yemen đã có 46 phiến quân bị tiêu diệt trong các vụ đụng độ tiếp diễn và 12 giờ đồng hồ không kích dữ dội kéo dài tới sáng cùng ngày. Trong khi đó, một lính cứu thương ở Aden cho hay 8 dân quân thuộc lực lượng trung thành với ông Hadi đã thiệt mạng. Trước đó, các quan chức chính phủ cho biết 38 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại các thị trấn khác ở miền Nam Yemen.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 25/4 đã chỉ định ông Ismail Ould Cheikh Ahmed làm tân Đặc phái viên hòa bình của Liên hợp quốc tại Yemen thay cho ông Jamal Benomar, người trước đó đã tuyên bố từ chức, AP đưa tin. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều sức ép trong việc nối lại đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Yemen.
Các phương tiện truyền thông khu vực cho biết rạng sáng 25/4, các máy bay chiến đấu của Israel đã tiến hành không kích nhiều mục tiêu quân sự ở Syria. Những mục tiêu bị tấn công gồm một số căn cứ thuộc các lữ đoàn tên lửa của Syria ở vùng núi Qalamoun gần với biên giới giữa Syria và Liban, được cho là đang cất giữ các loại tên lửa tầm xa và các loại vũ khí chiến lược khác của quân đội Syria. Hãng thông tấn chính thức SANA của Syria không thừa nhận cuộc tấn công, nhưng một số phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ lại đưa tin về các vụ nổ ở thị trấn Qateyfah. Hiện vẫn chưa rõ ai đứng sau vụ không kích.
Reuters ngày 25/4 dẫn nguồn tin an ninh giấu tên cho biết, ba kẻ đánh bom xe liều chết đã tấn công các cứ điểm của lực lượng biên phòng Iraq tại cửa khẩu Trebil trên biên giới Iraq-Jordan, làm ít nhất 15 nhân viên an ninh thiệt mạng và 22 người khác bị thương,
Nguồn tin cho hay, những kẻ đánh bom liều chết này đã cho nổ 3 xe, trong đó có 2 xe tải, chứa đầy chất nổ tại cửa khẩu Trebil thuộc tỉnh Anbar, miền Tây Iraq. Cũng theo nguồn tin này, các vụ nổ cũng tàn phá các tòa nhà gần đó và một trạm kiểm soát tại cửa khẩu này. Cảnh sát cho rằng vụ tấn công này nhằm vào các doanh trại quân đội gần đó và do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra.
Bộ Nội vụ Nepal ngày 25/4 thông báo chính phủ nước này đã giải ngân khoản tiền trị giá 500 triệu USD để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra trưa cùng ngày. Theo con số thống kê mới nhất, đã có hơn 1.200 người thiệt mạng sau khi trận động đất làm làm rung chuyển thủ đô Kathmandu của Nepal và khu vực thung lũng đông dân tại thành phố này. Công tác cứu hộ hiện đang được gấp rút triển khai, song tại các khu vực rừng núi, công tác này gặp khó khăn do địa hình hiểm trở và quá trình liên lạc bị gián đoạn.
Ngày 25/4, quân đội Ukraine và phe đối lập ở miền Đông nước này lại cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, làm dấy lên lo ngại thỏa thuận hòa bình ký tại Minsk hồi tháng 2/2015 có thể bị đổ vỡ. Một binh sỹ Ukraine đã bị thiệt mạng và 2 người bị thương khi phe đối lập pháo kích vào một đơn vị thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia tại ngôi làng ở phía đông cảng Mariupol, đông nam Ukraine. Trong khi đó, các thủ lĩnh phe đối lập ở miền đông Ukraine cho rằng, quân đội Ukraine đã bắn vào một đoàn xe chở hàng cứu trợ từ Nga, làm 1 người chết.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Dmitry Bulgakov ngày 25/4 cho biết, nước này bắt đầu thi công tuyến đường sắt đoạn từ Zhuravka thuộc tỉnh Voronezh, Tây Nam nước Nga, đến Millerovo thuộc tỉnh Rostov, Tuyến đường sắt này dài 18 km, Sputnik đưa tin, Theo ông Bulgakov, hơn 360 thiết bị quân sự đặc biệt và gần 900 quân nhân đã được huy động góp phần thực hiện nhiệm vụ trên. Nga hiện có nhu cầu cấp bách triển khai tuyến vận tải đường sắt từ các vùng phía Bắc đất nước tới Krasnodar và Rostov-na-Donu (miền Nam nước Nga) không đi qua lãnh thổ Ukraine. Hiện nay, các đoàn tàu vẫn phải chạy xuyên biên giới Ukraine tại khu vực tỉnh Voronezh và tỉnh Rostov.
Những phát biểu gần đây của giới lãnh đạo Đức, đặc biệt là của Tổng thống Joachim Gauck về việc Đế chế Ottoman phạm tội ác diệt chủng đối với người Armenia trong Thế chiến I đã tạo ra làn sóng phản đối dữ dội tại Thổ Nhĩ Kỳ, gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Tối 24/4, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố chính thức khẳng định “nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quên và không tha thứ cho những phát biểu của Tổng thống Gauck.” Tuyên bố cũng chỉ trích ông Gauck không có quyền để phán xét dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ có tội hay không có tội đối với những sự việc đã xảy ra trong quá khứ, đồng thời cảnh báo về "những ảnh hưởng tiêu cực" do các tuyên bố của ông Gauck đối với quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 25/4, Triều Tiên khẳng định không có vấn đề gì đối với tình hình nhân quyền ở nước này, đồng thời lên án Mỹ đã đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ chống Bình Nhưỡng. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đăng xã luận có đoạn viết: “Nếu 'tiêu chuẩn nhân quyền' kiểu Mỹ được toàn thế giới công nhận thì cả thế giới này sẽ rơi vào tình trạng vô luật, trở thành vùng đất trơ trọi chìm trong bóng tối… Những lời cáo buộc ồn ào của Mỹ về tình hình nhân quyền Triều Tiên chẳng qua là nỗ lực tuyệt vọng của những kẻ không thể vô hiệu hóa được sức mạnh răn đe hạt nhân vì mục đích tự vệ hay khuất phục được Bình Nhưỡng bằng vũ lực.” Xã luận cũng khẳng định các vấn đề nhân quyền “không hề tồn tại” trên đất nước Triều Tiên.