Theo dữ liệu từ công ty phi đảng phái Advertising Analytics, chiến dịch của ông Biden đã chi hơn 582 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình kể từ khi bắt đầu cuộc chạy đua tranh cử vào Nhà Trắng vào năm ngoái. Chỉ trong tuần trước, chiến dịch của ông Biden đã chi 45 triệu USD cho việc phát sóng quảng cáo trên truyền hình. Chiến dịch của ông Biden dự kiến sẽ chi thêm 57 triệu USD quảng cáo truyền hình trong 10 ngày cuối cùng trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có ngày gây quỹ trực tuyến tốt nhất từ trước đến nay và có kế hoạch đầu tư mạnh vào việc mua quảng cáo ở bang Minnesota trong những ngày còn lại của cuộc bầu cử. Chiến dịch đã huy động được 26 triệu USD trong những giờ xung quanh cuộc tranh luận tổng thống, thu về số tiền nhiều hơn 30% so với bất kỳ khoảng thời gian 24 giờ trước đó. Chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ chi một khoản tiền cho việc mua một quảng cáo lớn ở Minnesota - bang mà chưa có ứng cử viên tổng thống nào của đảng Cộng hòa giành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử kể từ năm 1972.
Giới chuyên gia nhận định cuộc bầu cử năm 2020 có tiềm năng lập kỷ lục về số lượng cử tri tham gia, khi hơn 51 triệu người đã bỏ phiếu sớm ở các bang trên khắp nước Mỹ. Michael McDonald, chuyên gia trong dự án nghiên cứu bầu cử của Đại học Florida, cho biết ít nhất 51 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tính đến ngày 23/10. Trong khi đó, còn đến 11 ngày nữa mới tới ngày bầu cử chính thức. Con số này tương đương 21% tổng số cử tri hợp lệ trên cả nước.
Chính phủ Iran áp lệnh trừng phạt với Đại sứ Mỹ tại Iraq Matthew Tueller vì "chỉ đạo khủng bố". Động thái này để trả đũa việc Bộ Ngoại giao Mỹ trừng phạt 5 cá nhân và tổ chức Iran. Saed Khatibzadeh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ngày 23/10 cáo buộc Đại sứ Tueller đóng vai trò trung tâm trong việc "chỉ đạo hoạt động khủng bố ở Iraq và khu vực" và là một trong những nhân vật chính đằng sau vụ ám sát tướng Soleimani.
Ngày 23/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt đầu hội đàm với người đồng cấp Armenia và Azerbaijan.Theo các nguồn tin, Ngoại trưởng Pompeo đã bắt tay và trao đổi xã giao khi bắt đầu cuộc họp với Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington. Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ có cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp Amernia Zohrab Mnatsakanyan. Trước đó, cả Yerevan và Baku đều đã từ chối việc tổ chức cuộc gặp ba bên tại Washington. Hiện Nga, Mỹ và các cường quốc trên thế giới đang tìm cách thuyết phục các bên xung đột tại Nagorny-Karabakh ngừng cuộc giao tranh vốn đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 302.641 trường hợp mắc COVID-19 và 4.044 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 42,7 triệu người. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 42.271.844 ca, trong đó có 1.146.211 người thiệt mạng. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 31.329.893 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 75.455 ca và 9.795.740 ca đang điều trị tích cực.
Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Roman Prymula có nguy cơ mất chức sau khi vi phạm quy định chống dịch Covid-19 do chính ông đề xuất. Theo Guardian ngày 23/10, Bộ trưởng Prymula bị bắt gặp đi ăn tại nhà hàng ở Prague vào một buổi tối. Bất chấp Czech ban hành yêu cầu các cơ sở ăn uống đóng cửa để chống dịch Covid-19. Thủ tướng Andrej Babis đã yêu cầu ông Prymula từ chức hoặc sẽ bị sa thải. Người đứng đầu chính phủ đang chuẩn bị bổ nhiệm một bộ trưởng mới cho ngành y tế.
Quận trưởng quận Khash Rod thuộc tỉnh Nimroz ở miền Tây Afghanistan, ông Hajji Khalil Watandost ngày 23/10 cho biết 20 binh lính nước này đã thiệt mạng, cùng 6 người mất tích sau khi phiến quân Taliban tấn công một căn cứ quân sự nằm tại quận này. Trả lời hãng tin Tân hoa xã, ông Watandost cho biết phiến quân Taliban đã bất ngờ mở cuộc tấn công trên nhiều mũi vào căn cứ quân sự Dehmazang lúc 1 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 23/10. Sau khi giết hại 20 binh lính, phiến quân Taliban đã lấy đi hết vũ khí và đạn dược và rút lui khỏi căn cứ.
Australia sẽ chấm dứt sự hiện diện kéo dài ba thập kỷ ở Trung Đông của lực lượng hải quân nước này trong năm nay, trong bối cảnh cần tập trung nguồn lực nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như các khu vực gần với Australia. Ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds thông báo nước này sẽ không điều tàu Hải quân Hoàng gia Australia đến Trung Đông như thông lệ hằng năm. Tàu HMAS Toowoomba của Hải quân Australia được triển khai tới khu vực Trung Đông đã quay về nước hồi tháng 6 năm nay. Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ rút khỏi liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu đang tuần tra trên Eo biển Hormuz vào cuối năm 2020.