Giữa làn sóng COVID-19 thứ hai đang tàn phá nặng nề hệ thống y tế Ấn Độ, cảnh sát đã phát hiện ra nhiều mạng lưới lừa đảo nguy hiểm, đang tâm "hút đến tận cùng" sự sống của bệnh nhân COVID-19. Những người tìm đến chợ đen để mua thuốc và các thiết bị y tế thường biết rõ tình cảnh của mình và hiểu rằng họ đang "đánh bạc", và bất chấp mua chúng với giá cao hơn. Trong tháng qua, cảnh sát New Delhi đã bắt hơn 210 người với các cáo buộc gian lận, đầu cơ, âm mưu phạm tội hoặc lừa đảo liên quan đến COVID-19. Trong một vụ khác, cảnh sát phát hiện hơn 100 liều remdesivir giả, loại thuốc đang được không ít bác sĩ Ấn Độ kê cho bệnh nhân Covid-19 bất chấp những nghi vấn về hiệu quả của nó. Cảnh sát ở bang Gujarat, phía tây Ấn Độ, tháng qua phát hiện hàng nghìn ống thuốc remdesivir giả trong một chiến dịch triệt phá. Tại nhà máy là hiện trường thu được các tang vật, họ tìm thấy 3.371 lọ chứa glucose, nước và muối.
Theo Reuters, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thông báo có 6 quả tên lửa đã được bắn từ Lebanon và nhắm tới khu vực bắc Israel nhưng đã không qua được biên giới. Các tên lửa đã kích hoạt hệ thống báo động tại khu tập thể Misgav Am, nằm dọc theo biên giới phía bắc của Israel và Lebanon. Nguồn tin cũng cho biết phía Israel sau đó đã bắn khoảng 22 rocket vào nơi được cho là "điểm xuất phát của tên lửa" trên lãnh thổ Lebanon. Hiện vẫn, phía Israel chưa có thông báo nào về thiệt hại hoặc thương vong. Tuy nhiên, việc nã pháo này có vẻ như không liên quan đến cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng kiểm soát Dải Gaza.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố, đợt không kích sáng 17/5 đã phá hủy một hệ thống đường hầm và nơi ở của nhiều chỉ huy cấp cao thuộc lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Hãng thông tấn AP, dẫn tuyên bố của IDF, cho hay cuộc không kích trên, với sự tham gia của 54 chiến đấu cơ, đã nhắm vào 35 mục tiêu cũng như đường hầm được các tay súng Hamas sử dụng làm nơi ẩn náu. Tổng cộng 15km đường hầm đã bị phá hủy. Bên cạnh đó, 9 ngôi nhà ở các khu vực khác nhau ở phía bắc Gaza, được cho là nơi ở của các chỉ huy cấp cao của Hamas, cũng trở thành mục tiêu bị ném bom.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua hợp đồng bán vũ khí dẫn đường chính xác trị giá 735 triệu USD cho Israel. Truyền thông Mỹ đưa tin quyết định này được đưa ra 5 ngày sau khi lực lượng vũ trang Hamas bắt đầu bắn rocket sang Israel nhằm trả đũa các hành động của cảnh sát Israel tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, một trong những nơi thiêng liêng nhất của người Hồi giáo. Mỹ cho biết vẫn ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công của Hamas và đang nỗ lực giảm căng thẳng thông qua các kênh ngoại giao. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden sẽ giảm hoặc đặt điều kiện cho khoản viện trợ quân sự trị giá 3,8 tỷ đô la hàng năm cho Israel.
Ông Biden hôm 17/5 thông báo Mỹ sẽ gửi vaccine của các hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, cùng với 60 triệu liều vaccine AstraZeneca đã lên kế hoạch trước đó để cung cấp cho các quốc gia khác, Reuters đưa tin. Tổng thống Joe Biden sẽ gửi thêm ít nhất 20 triệu liều vaccine Covid-19 ra nước ngoài vào cuối tháng 6, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chia sẻ vaccine đã được nước này cấp phép sử dụng.
Iran hôm 17/5 đã khai trương Trung tâm tiêm chủng COVID-19 lớn nhất cả nước ở thủ đô Tehran khi đất nước này đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 4. Trung Tâm tiêm chủng Tây Tê-hran (West Tehran Vaccination Centre) có khoảng 100 cơ sở tiêm chủng và có thể tiêm cho khoảng 20.000 người mỗi ngày. Trung tâm này sẽ sử dụng cả vắc-xin Covid-19 trong nước và nước ngoài.
Nhiều người dân Nhật Bản bất ngờ nhận được khoản tiền hỗ trợ lên tới 1.400 USD giữa mùa dịch COVID-19, do những sai sót của Cơ quan Thuế vụ Mỹ. Theo tạp chí Nikkei Asia, những khoản tiền "từ trên trời rơi xuống" này đã được gửi đến tài khoản của nhiều công dân tại Nhật Bản. Phần lớn trong số họ từng có thời gian sinh sống ở Mỹ, song đã về nước từ lâu. Những người này đã bình luận trên internet rằng họ rất ngạc nhiên khi nhận được những tấm séc hỗ trợ từ Bộ Tài chính Mỹ.
Ngày 17/5, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các biện pháp trả đũa liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu nhôm và thép. Cuộc đàm phán nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung sắt thép trên toàn cầu cũng như vai trò quá lớn của Trung Quốc trong vấn đề này. Châu Âu cũng sẽ tạm trì hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, theo như dự kiến ban đầu là sẽ tăng thuế từ ngày 1/6 tới. Tuyên bố của các quan chức thương mại châu Âu và Mỹ cũng nhấn mạnh hai bên nhất trí tránh để những thay đổi trong vấn đề này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại song phương.