THẾ GIỚI 24H: Bạo động bùng phát, Mỹ điều 5.000 vệ binh tới Baltimore

THẾ GIỚI 24H: Bạo động bùng phát, Mỹ điều 5.000 vệ binh tới Baltimore
TPO - 5.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đã được điều đến Baltimore, thành phố lớn nhất bang Maryland. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ ngày 28/4 và kéo dài 1 tuần, từ 22 giờ tới 5 giờ sáng hôm sau, để đối phó tình trạng bạo loạn và cướp bóc liên quan đến cuộc khủng hoảng chủng tộc mới ở Mỹ. 

Hàng trăm người biểu tình ở Mỹ đã xuống đường, đốt xe cảnh sát, cướp phá, đốt các cửa hàng và loạn đả với cảnh sát. Đài truyền hình phát hình ảnh người biểu tình ném gạch đá và chai lọ vào cảnh sát. Cảnh sát Baltimore cho biết khoảng 200 người bị bắt trong khi 15 cảnh sát bị thương, gồm một số bị gãy xương. Thống đốc bang Maryland Larry Hogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 27/4 khi bạo lực bùng nổ trên đường phố Baltimore vài giờ sau tang lễ của Freddie Gray - người thanh niên da màu 25 tuổi bị bắt hôm 12/4 và tử vong ngày 19/4 sau 1 tuần hôn mê do bị cảnh sát đánh trọng thương.


Lầu Năm Góc xác nhận hải quân Iran đã nổ súng và tràn lên boong tàu hàng Maersk Tigris ở eo biển Hormuz hôm 28/4, sau khi chiếc tàu treo cờ của Quần đảo Marshall và đang trên đường tới Jebel Ali ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Kênh truyền hình Al Arabiya của Ả Rập Saudi cho hay, tàu hải quân Iran đã nổ súng và bắt giữ tàu Maersk Tigris với 34 thủy thủ người Mỹ. Đại tá Steve Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc, xác nhận vụ bắt giữ nhưng phủ nhận trên tàu có người Mỹ. Ông cho biết thêm không có ai bị thương và ban đầu tàu hàng từ chối nghe theo lệnh tiến sâu vào vùng biển Iran nhưng đành thúc thủ sau khi phía Iran nổ súng cảnh cáo. Chiếc tàu đã phát tín hiệu cầu cứu và Bộ Chỉ huy trung ương Hải quân Mỹ phái ngay tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Farragut để theo dõi vụ việc. Hiện chưa rõ nguyên nhân tàu Maersk Tigris bị bắt. Theo bản tin của hãng Fars (Iran), hải quân Iran “bắt tàu hàng Mỹ” vì “xâm phạm lãnh hải Iran”. Tuy nhiên, Fars không nêu nguồn tin hay có bất cứ xác nhận chính thức nào từ Tehran.


Trung Quốc ngày 28/4 đã bày tỏ quan ngại về thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản, đồng thời cảnh báo 2 nước rằng những thay đổi này không được ảnh hưởng đến vị thế của Bắc Kinh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trả lời họp báo, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Mỹ và Nhật Bản có trách nhiệm đảm bảo rằng liên minh giữa họ sẽ không làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ 3". Đường lối hợp tác quốc phòng mới mở rộng phạm vi hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản, đồng thời chính thức hóa sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Senkaku, quần đảo do Nhật Bản kiểm soát mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. 


Mặc dù thừa nhận chặng đường hơn hai tháng còn lại vẫn đầy chông gai, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cho biết nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đang tiến gần hơn bao giờ hết tới một hiệp định cuối cùng liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York, Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh các cuộc đàm phán ở phía trước vẫn còn nan giải và nhiều khó khăn cần phải vượt qua, song Mỹ và các cường quốc đang ở gần hơn bao giờ hết một hiệp định về chương trình hạt nhân gây tranh cãi 12 năm qua của Tehran. Ông Kerry xác định còn nhiều việc phải làm và vượt qua để giải quyết những vấn đề còn lại mà ông cho là rất khó khăn nhằm ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân. 


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết Kiev có thể đáp ứng được những điều kiện để nộp đơn xin làm thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong vòng năm năm tới. "Chúng tôi có nhiều tham vọng trong kế hoạch và niềm tin của chúng tôi, và đó là lý do vì sao chúng tôi tuyên bố rằng trong vòng năm năm, chúng tôi sẽ thực thi hữu hiệu thỏa thuận liên kết (EU) và đáp ứng những điều kiện cần thiết để nộp đơn xin làm thành viên trong Liên minh châu Âu," ông Poroshenko nói tại Hội nghị thượng đỉnh với các quan chức Liên minh châu Âu vừa khai mạc ở Kiev.


Một vụ lở đất nghiêm trọng vừa xảy ra vào sáng sớm ngày 28/4 (theo giờ địa phương) tại huyện Khawahan, gần biên giới Afghanistan với Tajikistan, khiến ít nhất 52 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Badakhshan cho biết, công tác cứu hộ gặp rất nhiều trở ngại bởi khu vực bị lở đất tại tỉnh này hiện bị vùi lấp trong tuyết do đó chỉ có thể tiếp cận khu vực này bằng máy bay trực thăng.


Hàng trăm thi thể phân hủy vừa được phát hiện trong các hố chôn tập thể ở thị trấn Damasak, đông bắc Nigeria. Các thi thể này được cho là bị nhóm khủng bố Boko Haram, còn được gọi là "IS châu Phi", sát hại. CNN ngày 28/4 cho biết một ủy ban chính quyền tỉnh đã đến để đánh giá tình hình ở Damasak - bị Boko Haram chiếm đóng trong nhiều tháng qua và vừa được liên minh quân đội Nigeria - Chad giải phóng. "Chúng tôi tìm thấy hàng trăm xác chết trong các hố chôn sơ sài và trên các đường phố của Damasak", phát ngôn viên chính quyền địa phương Babagana Mustapha nói. Abubakar Kyari - một thượng nghị sĩ mới đắc cử ở khu vực, cho hay trong số nạn nhân, có cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, tất cả bị Boko Haram sát hại sau khi nhóm này đánh chiếm khu vực vào tháng 10/2014.


Phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã bắt cóc và chặt đầu năm phóng viên của  kênh truyền hình Cyrenaica TV ở miền đông Libya. Truyền thông Libya ngày 27/4 cho biết “xác chết không đầu” của năm phóng viên kênh truyền hình Cyrenaica TV đã được tìm thấy tại một địa điểm gần thành phố al-Beida, theo lời khai của một phiến quân IS người Ai Cập bị lực lượng an ninh bắt giữ tại cửa khẩu Musaid nằm trên biên giới Libya-Ai Cập. Trong số các nạn nhân có bốn người Libya và một nhà quay phim người Ai Cập.


Bất chấp việc từ chối của lãnh đạo một số quốc gia trên thế giới trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng theo lời mời của Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, điều này sẽ không ảnh hưởng tới lễ kỷ niệm của Liên bang Nga. "Tôi sẽ không làm điều này thành một vấn đề lớn. Ai đó từ chối vì lý do ý thức hệ khi cố gắng sử dụng cả ngày lễ thiêng liêng này trong đường lối của mình để kiềm chế và cô lập nước Nga, ai đó đã theo chân những người trên, còn ai đó đã sợ hãi. Nhưng, tôi lặp lại, điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc ngày lễ này là như thế nào đối với tất cả chúng ta", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói. Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Sergei Lavrov, thư mời đến Moscow đã được gửi tới lãnh đạo của 68 quốc gia. Hơn 30 nhà lãnh đạo thế giới đã chính thức xác nhận tham dự - gần như tất cả các nước thành viên của SNG, một số nước châu Âu - Serbia, Montenegro, Macedonia, Slovakia, Hy Lạp, Cyprus và các nước khác.


Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, và rõ ràng, nền kinh tế Nga không hề sụp đổ và sẽ không bao giờ sụp đổ. Phát biểu tại một diễn đàn của Mặt trận Nhân dân toàn Nga hôm 28/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng: “Có thực tế hoàn toàn rõ ràng là chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Điều đó không có nghĩa là bây giờ tất cả sẽ tiến lên. Thậm chí chúng ta vẫn cảm nhận những gì đã xảy ra hồi cuối năm ngoái-đầu năm nay, và khúc nào đó trong năm chúng ta sẽ còn thấy nó phản ánh trong những chỉ số riêng biệt. Nhưng, nhìn toàn cục, rõ ràng không có sự sụp đổ và sẽ không bao giờ sụp đổ”. 

MỚI - NÓNG