Thể chế và con người quyết định sự phát triển

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh. Ảnh: L.H.V.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh. Ảnh: L.H.V.
TP - Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, thể chế và con người là hai nhân tố quyết định sự phát triển. Nhìn lại, đổi mới thể chế vừa qua là điểm sáng ấn tượng, nhưng rõ ràng 5 năm tới còn rất nhiều việc phải làm.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói tại Diễn đàn Đối tác Phát triển 2015: Bước ngoặt lớn của Việt Nam là đổi mới thể chế. Nhưng thể chế tốt phải được thực thi tốt. Ông có trăn trở về điều này?

Chúng ta có luật tốt, nhưng tư tưởng những luật này đi vào cuộc sống còn hạn chế, sự thật đó ai cũng thấy. Những nghị định, thông tư hướng dẫn luật nhiều chỗ chưa rõ ràng, khi thực thi ở cấp cơ sở (người thực hiện) đã rất xa tư tưởng người làm luật. Chất lượng của bộ máy cán bộ cũng là vấn đề. Nếu họ toàn tâm phục vụ người dân thì sẽ tốt, nhưng trong tâm vẫn mang tính chất phải có điều kiện nọ kia, lợi dụng kẽ hở pháp luật để hành dân, doanh nghiệp. Do đó mới có chuyện luật thực hiện khác nhau ở mỗi nơi, luật tốt nhưng thực thi bị cản trở. Vì vậy, phải có chế tài loại thải người không chấp hành, đặt lợi ích cá nhân lên trên luật pháp, lợi dụng kẽ hở luật pháp gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Nhưng sau 30 năm, tới nay những dư địa, yếu tố thúc đẩy phát triển đã dần cạn và chững lại. Thậm chí, không cẩn thận có thể đi xuống nếu chúng ta cứ bình bình thế này. Không có đổi mới sẽ gặp khó khăn trong phát triển đất nước, chúng ta tụt hậu là điều rõ ràng. 

Ông nhiều lần cam kết mạnh mẽ về đổi mới thể chế, vì sao câu chuyện này khiến ông trăn trở như vậy?

30 năm đổi mới vừa qua chúng ta đã có nhiều thành tựu. Thành tựu xuyên suốt là đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó tạo ra động lực để phát triển và thay đổi xã hội như hôm nay. Nhưng sau 30 năm, tới nay những dư địa, yếu tố thúc đẩy phát triển đã dần cạn và chững lại. Thậm chí, không cẩn thận có thể đi xuống nếu chúng ta cứ bình bình thế này, không có đổi mới sẽ gặp khó khăn trong phát triển đất nước, chúng ta tụt hậu là điều rõ ràng.

Hiện chúng ta mới chớm bước chân vào kinh tế thị trường, chưa xây dựng được đầy đủ các nhân tố thị trường. Phân bổ nguồn lực của đất nước đang theo cơ chế hành chính. Như đất đai tưởng là thị trường nhưng không phải, nó đang rất méo mó, không phải theo cơ chế thị trường. Hay thị trường lao động, anh tốt sẽ được sử dụng và đãi ngộ cao, tôi có quyền nhận vào và ngày mai sa thải anh nếu không đáp ứng được yêu cầu. Nhưng chúng ta nhận vào dễ, cho ra rất khó.

Cũng bà Victoria Kwakwa có hỏi Thủ tướng: Việt Nam sẽ lấy nguồn lực nào cho phát triển thời gian tới? Thủ tướng nói là sẽ phát triển bằng nguồn lực con người và dân chủ hóa đất nước. Nếu được hỏi, ông sẽ trả lời thế nào?

Câu trả lời đã rõ, thể chế và con người là hai nhân tố quyết định cho phát triển. Những người tài năng, tâm huyết với đất nước phải được trọng dụng. Đó là nguồn sáng tạo vô cùng to lớn để đưa đất nước từ không có tài nguyên trở thành đất nước phát triển mạnh mẽ, như các nước lân cận đã làm. Bên cạnh đó phải có thể chế tốt, tôi hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ tận dụng tốt hai lợi thế này. Còn tài nguyên khoáng sản, vốn chỉ là những điều kiện góp phần vào tiến trình đó.

Xin cảm ơn ông.

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Holdings): Mong cán bộ có trình độ cao, đạo đức, hậu thuẫn DN hội nhập

Tôi tin rằng ĐH sẽ bầu ra một ban lãnh đạo mới có khả năng giúp kinh tế Việt Nam hội nhập và quan tâm hơn đến các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN tư nhân; xác định được kinh tế tư nhân là động lực phát triển.

Trong bối cảnh hội nhập này, chúng tôi mong muốn Nhà nước có đội ngũ quản lý trình độ cao, có đạo đức và sẽ thể hiện hơn nữa vai trò hậu thuẫn, đưa ra những chính sách phù hợp hơn, cổ vũ tinh thần nhằm thúc đẩy các DN hội nhập và đoàn kết để cùng nhau xây dựng một nền kinh tế Việt Nam phát triển vươn xa hơn nữa.

Đình Thắng (ghi)

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Cty CP Thanh Bình,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Chỉ cần một cơ chế

Khi hội nhập, các chính sách trong nước cũng cần “hội nhập”, tuân thủ theo luật chơi quốc tế thì DN mới sống được. Hiện các DN tư nhân cũng rất mệt mỏi, còn nhiều sự bảo hộ, rồi xin cho này nọ… DN tư nhân không cần phải xin xỏ gì hết, chỉ cần một cơ chế, môi trường minh bạch, rõ ràng.

Phạm Anh (ghi)

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Kinh tế tư nhân là “sức sống mới” của nền kinh tế Việt Nam

Thời gian dài người ta cứ nghĩ rằng kinh tế nhà nước mới đóng vai trò chủ đạo. Nhưng thực tế ở Việt Nam và cả trên thế giới, kinh tế nhà nước chỉ nắm một số ngành then chốt chứ không thể nắm vai trò chủ đạo. Với sự phát triển của cơ chế thị trường, kinh tế tư nhân bắt đầu phát huy tiềm năng và ưu điểm của mình. Cụ thể, đại đa số các DN tư nhân ở dạng vừa và nhỏ, năng động. Hiện DN tư nhân chiếm hơn 90% số DN Việt Nam. Không chỉ làm ăn có hiệu quả, DN tư nhân còn liên kết tạo thành những tập đoàn lớn, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, mặc dù kinh tế tư nhân có nhiều vai trò quan trọng, giúp ổn định đất nước khi kinh tế gặp khó khăn nhưng vẫn còn nhiều bất bình đẳng giữa DN tư nhân và nhà nước. Nhiều DN nhà nước làm ăn thua lỗ vẫn được miễn thuế, giảm thuế, ưu đãi về quỹ đất, vốn vay… Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN công và tư.

Đảng tiếp tục coi trọng vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII; Luật Doanh nghiệp năm 1999 được xem là cuộc cách mạng cho đội ngũ DN, tạo ra bước ngoặt lớn đối với nền kinh tế. Sau đó, áp lực của hội nhập, những cam kết quốc tế cũng là “lực đẩy” rất quan trọng. Lực đẩy cũng quan trọng không kém là tư duy cải cách trong Đảng và Nhà nước ta.

Uyên Phương (ghi)

TS Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR): Đặt kinh tế nhà nước về đúng vị trí

Kinh tế tư nhân vẫn đang thay đổi, nhận thức về khu vực này có cởi mở hơn so với trước, nhưng dè dặt và chậm hơn so với thực tiễn. Tôi cho rằng, nhận thức kinh tế tư nhân như thế nào không quan trọng bằng việc thay đổi nhận thức về khu vực kinh tế nhà nước. Nhận thức về kinh tế nhà nước cần được thay đổi mạnh mẽ và đưa khu vực này trở thành một bộ phận thứ yếu của nền kinh tế. Đặt kinh tế nhà nước về đúng vị trí thì tự khu vực kinh tế tư nhân sẽ phát triển.

Tuấn Đức (ghi)

Chủ tịch Cty Cổ phần Hợp Lực kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ: Còn xin - cho thì không phát triển

Chúng tôi kỳ vọng vào một “tốc độ” đổi mới về sự chỉ đạo. Đặc biệt là nâng cao chất lượng hệ thống văn bản pháp lý, các nghị định, thông tư sau luật. Hành lang pháp lý tốt, sẽ tạo sự đột phá cho cộng đồng DN, đặc biệt là DN tư nhân.

Còn ở địa phương, hệ thống chính quyền và cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu phải chỉ đạo hệ thống, phải thực sự là công bộc, là nơi mà DN dựa vào, tạo điều kiện. Nếu còn chữ “xin, cho”, thì không bao giờ phát triển được.  Ngoài ra, cần phải tạo môi trường minh bạch, bình đẳng giữa DN đầu tư nước ngoài  (FDI), DN Nhà nước với DN tư nhân.

Phạm Anh (ghi) 

MỚI - NÓNG