Thấy gì từ việc sửa chùa, làm vỡ bia cổ?

0:00 / 0:00
0:00
Bia đá bị vỡ khi di chuyển. Ảnh: Sở VHTT&DL Bắc Giang
Bia đá bị vỡ khi di chuyển. Ảnh: Sở VHTT&DL Bắc Giang
TP - Sự việc bia đá 342 năm tuổi bị vỡ trong quá trình tu bổ ở chùa Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) đang khiến những người yêu di sản bức xúc lẫn tiếc nuối. Sự việc này cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích hiện nay.

Bia cổ vỡ thành nhiều phần

Di tích quốc gia chùa Thổ Hà (thuộc làng cổ Thổ Hà) bắt đầu được khởi công tu bổ toàn diện từ ngày 19/12/2019. Ngày 8/9 vừa qua, nhà thầu tiến hành di chuyển bia đá trước nhà tam bảo để nâng cốt nền khuôn viên. Đây là loại bia tứ diện (có chữ khắc 4 mặt), bằng đá xanh, hoàn thành ở niên hiệu Vịnh Trị (năm 1679, đến nay đã 342 năm). Bia ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà. Theo giới chuyên gia Hán Nôm, bia đá này phản ánh sự hưng thịnh của nghề gốm, sự phát đạt của kinh tế làng nghề thủ công Thổ Hà đặc trưng xứ Bắc từ hơn 300 năm trước.

Thấy gì từ việc sửa chùa, làm vỡ bia cổ? ảnh 1

Bia đá chùa Thổ Hà năm 2011. Ảnh: Nguyễn Đức Bình

Theo báo cáo của Sở VHTT&DL Bắc Giang, để di chuyển, nhà thầu đào móng xung quanh bia, dùng dây vải buộc thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng (nhằm luồn dây qua phần bia để buộc bó toàn bộ bia). Tuy nhiên, khi tiến hành nâng thì thân bia bị tách rời thành nhiều mảng. Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang cho biết, trước khi di chuyển các bên đã không đánh giá hết được hiện trạng của bia nên đã xảy ra sự việc trên.

Theo ông Hà, trước đây, bia được đặt trong gác chuông. Năm 1954, dân quân địa phương đã đốt gác chuông để lấy chuông đúc súng đạn phục vụ kháng chiến. Do tác động của nhiệt do đốt, bia đá bị rạn nứt nhiều vị trí. “Bia đá trải qua quá trình om lửa, om nước (do lũ lụt) nên đã bị nứt sẵn. Do nhà thầu chủ quan, sơ suất, trước lúc di chuyển chưa đánh giá việc bia bị nứt nên khi nâng lên thì bị vỡ”, ông Hà nói với PV Tiền Phong.

Theo ông Hà, trong hồ sơ thỏa thuận tu bổ chùa Thổ Hà với Bộ VHTT&DL không có hạng mục di chuyển bia này, chủ đầu tư và nhà thầu tự thống nhất thực hiện nên trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ đầu tư (ở đây là UBND huyện Việt Yên - PV). Hiện Sở VHTT&DL Bắc Giang đã yêu cầu Chủ đầu tư dùng lạt bó buộc thân và đế bia, bảo quản các mảnh vỡ, đóng cọc căng dây tạo hành lang bảo vệ, tạo mái che tạm thời. Ông Hà thừa nhận, nếu gắn lại, bia đá sẽ mất đi một số chữ, không thể nguyên vẹn như trước.

Ứng xử thô bạo

PGS. TS. Trần Trọng Dương, Trưởng phòng Nghiên cứu Minh văn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, việc đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án di chuyển bia mà không xin phép cơ quan chức năng theo quy trình là vi phạm về quy trình quản lý văn hóa.

“Việc làm hỏng văn bia cổ chùa Thổ Hà là tắc trách, không theo quy trình, không đúng kỹ thuật và vi phạm Luật Di sản văn hoá”, PGS. TS. Trần Trọng Dương nói. Theo chuyên gia này, cần xác minh rõ trách nhiệm dẫn đến sự việc nghiêm trọng này. “Địa phương, bản tự (nhà chùa - PV) và chủ đầu tư tự ý thực hiện thì trách nhiệm thuộc về những người này; còn lãnh đạo thôn, xã và Sở VHTT&DL là những người liên quan. Trong trường hợp địa phương có báo cáo lên cấp trên thì lỗi thuộc lãnh đạo Sở VHTT&DL” - ông Dương nói.

Thấy gì từ việc sửa chùa, làm vỡ bia cổ? ảnh 2

Đôi rồng đá thế kỷ 17. Ảnh: Hiếu Trần

Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực di sản cho rằng, qua hình ảnh về sự cố vỡ bia chùa Thổ Hà có thể thấy, khi di chuyển bia đá, đơn vị thi công mới chỉ đào một bên mà chưa đào hết xung quanh. Hơn nữa, cách buộc dây vào thân bia đá để nhổ lên, trong khi chân móng rất nặng, lại không có giá đỡ, nên dễ đứt gãy. “Đây là cách hành xử thô bạo, rất ẩu với hiện vật, di tích và trong cách trùng tu. Bia đứt gãy không thể đổ cho các yếu tố khách quan, thiên nhiên, ảnh hưởng của lửa, nước… Thực tế bia vẫn còn đẹp, có thể bị nứt nhưng kết cấu bia vẫn còn toàn vẹn, nguyên thể, nội dung bia phản ánh sự hưng thịnh của nghề gốm, của làng nghề thủ công của văn hoá Bắc bộ hơn 300 năm trước...” ”, vị chuyên gia này nói.

Ngoài việc vỡ tấm bia cổ, các hình ảnh về tu bổ ngôi chùa có nhiều điều đáng lo ngại. Trong đó, việc bảo quản di chuyển các hiện vật (như đầu rồng đá…) cũng tiềm ẩn rủi ro khi để lẫn với vật liệu xây dựng khác. TS. Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, cần tước giấy phép hành nghề của Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt (đơn vị thi công) để làm gương.

Công ty này không chỉ làm vỡ nát tấm bia quý, mà còn làm mới hoàn toàn, loại bỏ các cấu kiện gỗ có chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 ở Tam quan chùa. Các cấu kiện này, dù sau hàng trăm năm, hiện vẫn còn tốt, đủ khả năng chịu lực, về nguyên tắc là phải được sử dụng lại. Nhiều hạng mục di tích khác trong chùa cũng bị nhiều ý kiến phản ánh “trùng tu kiểu phá hoại”, “trùng tu xong thì không còn gì cổ, xưa cũ”.... Hơn thế, đơn vị thi công còn ứng xử với đôi rồng đá có khắc niên đại cụ thể thế kỷ 17 (năm Giáp Thân 1644) như đồ phế thải. Trong khi đây là một tư liệu quý về lịch sử kiến trúc.

TS. Sử học Phạm Đức Hân (nhiều năm công tác ở Viện bảo tồn Di tích) cho biết, vỡ bia đá lần này là bài học để cơ quan quản lý nhìn nhận kỹ hơn về lĩnh vực bảo tồn di sản. “Nguyên tắc của tu bổ di tích giữ tối đa hiện vật. Có nhiều phương pháp và hướng dẫn rất kỹ để thực hiện việc này như ốp mang, nối mộng, gắn chắc… Ví dụ, các cấu kiện đã gẫy mục ở họng cột, có thể thay cốt, ốp mang, nối mộng. Ngành trùng tu di tích đã tồn tại vài chục năm, những người chuyên làm trùng tu đã quá thuộc bài. Từ việc này có thể thấy hồ sơ khảo sát, tư vấn chưa chuẩn, chưa đúng, công tác thiết kế có vấn đề, không kỹ và quá cẩu thả”, TS. Hân nói.

Theo TS. Hân, hiện nay, các quy phạm pháp luật liên quan đến trùng tu di tích còn nhiều lỗ hổng. Ví dụ, các chi phí tư vấn áp dụng trùng tu theo xây dựng cơ bản là rất khó thực hiện. Vì thiết kế tu bổ không giống thiết kế nhà cửa để áp dụng các cấp. Các di tích đều được liệt vào công trình cấp 3, 4 nên chi phí tư vấn rất thấp. Nếu làm theo xây dựng cơ bản tách riêng thiết kế, thi công thì chi phí quá thấp. Nếu áp theo xây dựng, sau giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, nhà thầu thực hiện sẽ thực hiện theo hồ sơ. Nếu thiết kế chỉ định thay thế thì những người thực hiện máy móc sẽ thay.

Ngày 14/9, Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL) có văn bản đề nghị Sở VHTT&DL Bắc Giang chỉ đạo chủ đầu tư bảo vệ tại chỗ bia đá, khẩn trương thực hiện việc xây dựng bệ đặt bia tại vị trí cũ. Cục Di sản văn hoá đề nghị Sở VHTT&DL lựa chọn tổ chức tư vấn đề xuất phương án tu bổ, gắn chắp bia đảm bảo khoa học và chất lượng, báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ VHTT&DL chấp thuận trước khi thi công. Đồng thời, Sở đánh giá tình trạng bia khi tu bổ so với thời điểm trước khi bị vỡ để xác định mức độ ảnh hưởng của vụ việc. Cục Di sản văn hoá đề nghị Sở VHTT&DL Bắc Giang rà soát toàn bộ công tác tu bổ quá trình triển khai thực hiện dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Ngoài ra, Cục Di sản đề nghị kiểm tra công tác hạ giải, đánh giá, phân loại để tái sử dụng tối đa cấu kiện gỗ cổ, chỉ thay thế mới khi cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn.

MỚI - NÓNG