Thấy gì từ những giải trình?

Thấy gì từ những giải trình?
TP- Khủng hoảng tài chính trên thế giới được dự báo “đẩy” một số doanh nghiệp Việt Nam vào tình cảnh khó khăn. Từ những giải trình về kết quả hoạt động kinh doanh quý 3/2008, có thể nhìn ra phần nào khả năng thích ứng trước những biến động của doanh nghiệp.

Theo quy định tại Thông tư 38 về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp nào có biến động kết quả báo cáo giữa hai kỳ 5% trở lên phải giải trình nguyên nhân.

Lẽ tất nhiên, trong bản giải trình gửi đến Ủy ban chứng khoán vừa  qua có cả lỗ và lãi.

Về lãi, đối với một số DN có doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh, hai yếu tố tạo lên sự thay đổi mạnh này là tính chất mùa vụ và việc tiết giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn như Công ty Cổ phần (CTCP) Cao su Thống Nhất (TNC), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) có lợi nhuận tăng tương ứng là 6,7% và 203% được giải thích do tính chất mùa vụ của hoạt động sản xuất kinh doanh cao su thiên nhiên nên lợi nhuận tăng nhiều hơn so với quý II; đối với CTCP Kinh Đô (KDC), sở dĩ lợi nhuận sau thuế quý III so với quý II tăng 355% cũng là do đặc điểm kinh doanh của Cty chịu ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ (bánh trung thu…).

Về lỗ, có hai lý do chính nổi bật đó là: Giá nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh hoặc lãi suất ngân hàng tăng quá cao “ngốn” luôn phần lãi của DN. Xin đơn cử: Đề cập về khoản lỗ 24,4 tỷ đồng trong quý III so với quý II của Gạch men Viglacera Thăng Long (TLT), Chủ tịch HĐQT CTCP Nguyễn Văn Sinh cho biết nguyên nhân là do lạm phát ở mức cao, ngân hàng thực thi chính sách thắt chặt tín dụng, tăng lãi suất tiền vay, các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản;

Nhà nước chủ trương cắt giảm đầu tư; giá cả vật liệu tăng cao; khủng hoảng tài chính thế giới làm cho hàng xuất khẩu khó khăn và làm cho nhu cầu đầu tư sụt giảm. Cũng  từ đó, sản lượng và doanh thu tiêu thụ quý 3/2008  của TLT chỉ bằng 72% so với quý 2/2008  và bằng 40% so với kế hoạch đặt ra trong quý.

Lãi suất ngân hàng tăng cao khiến cho CTCP Thủy sản Bạc Liêu (BLF) trong quý 3/2008 lỗ 5,8 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch HĐQT BLF con số lỗ này bắt nguồn từ tăng chi phí sử dụng vốn (lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng cao (bình quân 2 lần), tiền lãi phải trả tăng cao.

Khi giá trị tiền lãi tăng thêm nên các giá trị này không tái tham gia trở lại cho nhu cầu sản xuất cho nên phải tăng vay kết quả cuối cùng là làm cho chi phí lãi vay tăng hơn 3,6 lần so với lãi suất 9 tháng đầu năm 2007.

Ngoài ra, hàng loạt các nguyên nhân khác như tình hình bất động sản đóng băng, dự phòng đầu tư tài chính, nhu cầu tiêu dùng giảm cũng đã làm cho hoạt động kinh doanh của CYC, SMC, LSS, SBT, HMC, NTP… gặp khó .

Đối với một số doanh nghiệp, việc giải bài toán vốn là một phần nằm trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh thời gian tới. Đáng chú ý là hầu như các doanh nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo lãnh đạo TLT, để khắc phục khó khăn, Cty sẽ họp đại hội cổ đông bất thường để điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2008, tìm mọi biện pháp thúc đẩy công tác tiêu thụ trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã; làm việc với các ngân hàng để giảm chi phí lãi vay.

Còn theo đại diện BLF biện pháp đã và đang được Cty tiếp tục triển khai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty là tăng cường công tác tiết kiệm chi phí nội tại Cty, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu; tăng cường triển khai đơn hàng xuất khẩu tôm sú vào thị trường Nhật Bản;...

Trong đó, đáng chú ý là Cty này dự kiến thực hiện phương án vay vốn  từ nhà đầu tư nước ngoài để tái cơ cấu tài chính, cân đối vốn lưu động và giảm chi phí lãi vay, giảm thiểu rủi ro về tài chính.

MỚI - NÓNG