Tưởng rằng tự truyện của bạn sẽ kể nhiều thứ liên quan đến giới tính để mọi người hiểu hơn, ai dè toàn hành trình vượt khó, du ký?
Giới tính lác đác thôi, không thì thành sách đồng tính. Tôi không muốn giới tính là nội dung chính của sách.
Gia đình đã quán triệt giới tính của Tâm chưa hay vẫn hy vọng ngày nào đó bạn sẽ... lấy chồng?
Tình trạng mẹ tôi giống như công trường đang thi công vậy, từng chút từng chút một. Chứ còn hoàn tất hành trình hiểu về con, chấp nhận thì còn lâu, còn dài.
Bạn đã tuyên bố với gia đình về giới tính của mình?
Một khi người ta sẵn sàng để hiểu thì có thể hiểu không cần mình nói. Còn khi chưa sẵn sàng, có nói cũng không hiểu.
Chưa kể khi chưa mở lòng được, người ta vẫn còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những quan niệm trước đây về chuyện giới tính, thành ra nếu nói, mình lại sử dụng những cái nhãn mà họ đang cảm thấy rất tiêu cực.
Chưa hiểu rằng đồng tính cũng là điều bình thường, cũng tình cảm, cũng yêu đương gắn bó, họ chỉ hiểu đồng tính là hai người cùng giới ngủ với nhau. Thành ra tôi cứ để từ từ. Gia đình tôi hỏi thì có sao nói vậy.
Ví dụ, hỏi sao con thân với bạn đó vậy, thì nói là hai đứa thích nhau, có tình cảm với nhau. Chứ không chối bỏ, lấp liếm gì hết.
Ra tự truyện ở tuổi 27 có hơi sớm?
Đầu tiên tôi cũng nghĩ hay là chờ thêm vài năm nữa. Vì thường tuổi 30 trở đi, người ta sẽ chín hơn. Tôi cảm thấy câu chuyện của mình có thể làm cho những người nằm trong thiểu số thấy đồng cảm, tìm thấy mình trong đó. Bây nhiêu cũng xứng đáng để viết cuốn sách. Biết mình không đơn độc là điều rất quan trọng.
Trước khi tham dự Stockholm Pride (Thụy Điển) vào tháng 8/2011 và tự hứa sẽ làm Việt Pride, bạn có kế hoạch sự nghiệp gì khác?
Những năm đầu ở Sing, tôi chỉ biết đi học, muốn làm cái gì đó để đóng góp cho đất nước nhưng chuyện to thì không làm được, chuyện nhỏ thì không muốn làm. Cho nên thôi không nghĩ nữa. Năm tốt nghiệp ra trường thì khủng hoảng kinh tế, nên chỉ suy nghĩ ngắn gọn làm sao có việc làm ở Sing. Vì tốt nghiệp một cái là nợ tôi vay của Sing để đi học sẽ bắt đầu tính lãi.
Một tháng trước khi tốt nghiệp có một viện nghiên cứu nhận tôi làm. Làm 1 năm công việc ổn định, tiền bạc không còn cấp bách. Cuối cùng nhận ra 1-2 năm sống vậy thì được, chứ cả đời, nhất là những năm tuổi trẻ, chỉ sống và đi làm, kiếm tiền, ăn ngủ, du lịch, trả nợ- hết, thì vô vị quá.
Cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng thiểu số mà không làm gì được cho họ, cho mình, mà cứ sống đều đều, lẩn khuất trong một xã hội mà người dị tính là số đông, thì thấy có gì sai sai. Tôi quyết định nghiên cứu tình hình LGBT ở Việt Nam, sau đó liên hệ với tổ chức phi chính phủ ở đây, từ đó dẫn tới chuyến đi Stockholm.
Sau 3 lần tổ chức, Việt Pride đã có chuyển biến gì về quy mô và hiệu quả?
Năm nay thành công nhất. Số người diễu hành chừng hơn 600, tụ họp tại American Club khoảng 1000- gấp ba lần năm ngoái. Lần đầu tiên Việt Pride hỗ trợ hơn 40 đại diện LGBT từ 14 tỉnh thành về Hà Nội tham dự. Thành phần tổ chức và tài trợ đa dạng, có đại sứ quán các nước.
Bạn nghĩ sao khi trong danh sách hỗ trợ Việt Pride không có một cơ quan, tổ chức trong nước nào?
Tôi nhận ra việc gì cảm thấy đúng thì làm chứ đừng cố gắng thuyết phục ai đó. Khi họ đủ tin tưởng, họ sẽ tham gia. Năm đầu tiên làm Việt Pride khó nhất vì không bao nhiêu người ủng hộ.
Nhiều khi tôi nghĩ, sao không lựa cái gì dễ dàng hơn, hoặc những con đường đã có người vạch sẵn ra rồi. Nhưng cũng nghĩ, cái mình cảm nhận được từ Pride ở Stockholm ý nghĩa thế nào, đã thay đổi cách mình nhìn nhận bản thân, nhìn nhận thế giới. Nếu làm Pride ở Việt Nam chỉ để thay đổi cuộc sống một người thôi thì cũng xứng đáng.
Đề tài thạc sĩ của bạn nghiên cứu vấn đề gì?
Tôi nói về việc tự kỳ thị và đạo Khổng trong văn hóa Việt Nam. Tới nay, có chừng 10 nước ở khu vực Đông Á vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đạo Khổng.
Đạo Khổng có nhiều “món”. Ba “món” tôi tập trung phân tích là sự hiếu thảo- tỷ dụ giữa con cái với cha mẹ và sự mong đợi của cha mẹ với con cái.
Thứ hai là vai trò giới- đàn ông phải như vầy, con gái phải thế kia.
Mảng thứ ba là về quan hệ cộng đồng. Trong nhà cứ làm cái gì cũng người ta nói vầy, người ta nói kia... Không biết “người ta” là ai, nhưng lúc nào cũng phải suy nghĩ coi người ta nói gì để điều chỉnh bản thân, đừng để người ta nói không tốt.
Ba điểm này có quan hệ như thế nào với việc những người LGBT tự kỳ thị, tự ghét bỏ bản thân? Phỏng vấn nhiều người trong cộng đồng, tôi thấy một vấn đề lớn. Đó là các bạn cảm thấy rất tội lỗi vì là người đồng tính, bất hiếu với cha mẹ khi không thể lấy vợ có con nối dõi tông đường, nhất là mấy bạn con trai một hay cháu đích tôn.
Đó cũng là hình thức tự kỳ thị bản thân mình. Tôi hy vọng khi chỉ ra mối quan hệ văn hóa và tự tìm hiểu bản thân, người đọc sẽ có mối liên hệ, hy vọng sẽ có những điều chỉnh thích hợp. Ví dụ định nghĩa lại về hiếu thảo là sống tốt, chăm sóc quan tâm cha mẹ chứ không cứ phải lấy vợ, có con...
Người đồng tính nam mới phải băn khoăn chuyện có con, đồng tính nữ thì dễ?
Nhưng lại có khó khăn khác. Khó mà nói ai khổ hơn ai. Vì cái khổ là cảm nhận cá nhân của mỗi người. Đối với nữ là làm tròn bổn phận, tam tòng…
Đã là con gái thì phải nghe theo sự sắp đặt của gia đình, không được sống theo ý mình, không được thể hiện chủ kiến.
Bây giờ tự nhiên đứng lên nói: Thứ nhất, con đồng tính; thứ hai, con không muốn lấy chồng; thứ ba, con sẽ không làm theo lời ba mẹ. Toàn chuyện không thể nào tưởng tượng được theo một loại khuôn mẫu văn hóa. Chưa kể còn có quan niệm đàn ông mới có cảm xúc về tính dục, còn phụ nữ thì cứ chiều theo đàn ông thôi, không phải là người chủ động hay có cảm xúc đó.
Bạn nghĩ sao về hôn nhân đồng giới?
Vấn đề kết hôn, người muốn người không. Dị tính cũng vậy, có người chỉ muốn chung sống, không có nhu cầu đám cưới, đăng ký hết hôn.
Tuy nhiên, tôi thấy không phải vì vậy mà nói rằng quyền được kết hôn của người đồng tính là không quan trọng. Vì luật, ngoài chuyện đưa đến kết quả cụ thể trong cuộc sống, còn là biểu tượng cho giá trị xã hội.
Cho nên nếu luật pháp cho một nhóm người kết hôn và không cho nhóm người khác kết hôn thì rõ ràng không công bằng. Cưới hay không là quyết định cá nhân, tuy nhiên quyền kết hôn nên dành cho tất cả, dù là thiểu số hay đa số.
Bạn có thích kết hôn?
Đó là câu hỏi lớn đến bây giờ tôi vẫn chưa trả lời được. Trong cuộc sống cá nhân, có rất nhiều lý do để tôi muốn hoặc không muốn kết hôn. Và quan trọng nhất, tôi chưa tìm thấy ai khiến tôi đủ quan tâm để ngồi suy nghĩ một cách nghiêm túc và đầy đủ về chuyện kết hôn, nên cứ để chuyện đó bỏ ngỏ.
Đọc sách thấy nhiều chỗ có cảm giác Tâm kiềm chế tình cảm riêng tư vì “nghiệp lớn”?
Tôi không nghĩ xa xôi cho “nghiệp lớn” mà thường nghĩ cho người ta. Gia đình người ta có một con gái, cũng kỳ vọng con thế này thế kia. Rồi bạn đó vừa có thể yêu người cùng giới vừa có thể yêu người khác giới.
Nếu có hai con đường có khả năng đi như nhau, người ta chọn con đường dễ chứ chọn đường khó làm gì. Thế nên tôi để người ta đi. Có những người tôi ý thức được là công việc, hoàn cảnh sống của họ nếu họ gắn kết với mình thì sẽ khó khăn cho họ. Trong mối quan hệ giữa hai người hai quốc tịch khác nhau, còn bao nhiêu thứ giấy tờ rườm rà.
Đâu có thể nói là yêu nhau mãnh liệt là vượt qua tất cả.
Bạn thích làm mẹ đơn thân hay... bố đơn thân?
Tôi nghĩ ngày đó còn rất xa xôi. Tại tôi tưởng tượng đến chuyện nếu 11h đêm, muốn đi xem phim và sau đó đi ăn chân gà, uống bia, mà ở nhà có đứa con nít thì ai sẽ trông nó cho tôi đi (cười). Cho nên tự do cá nhân của tôi vẫn cấp thiết hơn chuyện có con.
Vì sao bạn viết Trái tim sư tử bằng tiếng Anh rồi mới dịch ra tiếng Việt?
Nguyễn Thanh Tâm: Nếu viết bằng tiếng Việt sẽ có những khái niệm không thể chuyển sang tiếng Anh được, mà trọng tâm của tôi sẽ là xuất bản cuốn này ra quốc tế. Cuốn tiếng Việt chỉ là bước đệm.
Pride là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giáo dục cộng đồng về tính đa dạng của tính dục và trao quyền cho nhóm tính dục thiểu số. Tại nhiều nước phát triển, Pride thu hút hàng triệu người tham gia gồm nhà chính trị, hoạt động xã hội, cộng đồng LGBT, những ai ủng hộ quyền bình đẳng và nhân ái.
(Theo vietprideinfo.wordpress.com)